Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng người Việt có tinh thần tiết kiệm nhất thế giới thì bạn lại không hiểu sao mình gần 30 tuổi vẫn không có trong tay một cuốn sổ tiết kiệm nào?
Hôm trước ngồi cùng cô em sinh năm 1995, cô tỏ ra rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng tôi không hề có tiền tiết kiệm. 30 tuổi, đi làm cũng gần chục năm chứ không phải ít, mà tiền tiết kiệm vẫn bằng 0. Nghe thật hoang đường, ấy nhưng đó là sự thật. Tôi còn nhớ, mặt cô em ấy ngỡ ngàng và liên tục trách móc tôi đã tiêu vào những gì để không có nổi một cái sổ tiết kiệm! Thú thật, tôi hơi xấu hổ, và về nhà nghĩ mãi về cuộc gặp gỡ này, về hai chữ Tiết Kiệm mà bao năm qua không hề có ý niệm trong đầu.
Dưới đây là những lý do tôi liệt kê ra, về việc tại sao tôi không có xu tiết kiệm nào. Tôi không bao biện, mà thấy quả tình thời gian qua tôi đã tiêu pha thực sự quá trớn. Đặt ngược lại vấn đề, khi có vấn đề lớn xảy ra, tôi sẽ lấy đâu ra nguồn tiền dự trữ để giải quyết chúng? Thật sự tai hại! Đáng nói, không chỉ riêng tôi, mà tôi biết kha khá người cùng chung lối sống "có bao nhiêu, tiêu bấy nhiều" như vậy. Bạn hãy đọc bài viết này, và thay đổi bản thân ngay trước khi quá muộn.
Chưa rơi vào tình huống khẩn cấp bao giờ
Nhiều người (giống như tôi) chẳng tiết kiệm được không phải vì lương quá thấp mà đơn giản vì họ không hiểu được những khoản tiền "phòng thân" có ý nghĩa ra sao lúc nguy cấp.
Theo các chuyên gia tài chính, dù là tuýp người hiện đại, biết hưởng thụ và sống vì hiện tại, bạn vẫn nên có một khoản tiết kiệm nhỏ để phòng thân cho những tình huống khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, bệnh tật hoặc gặp phải những rủi ro bất ngờ nào đó. Nếu bạn từng rơi vào cảnh lên cơn đau ruột thừa mà trong người không có tiền để nhập viện, làm phẫu thuật, bạn sẽ thấm thía nỗi đau này hơn bao giờ hết.
Tương tự, nếu bạn còn được bố mẹ chu cấp, sẵn sàng mua xe cộ hay những khoản việc lớn trong đời đều có bố mẹ cáng đáng, bạn sẽ thấy không có lý do gì phải tiết kiệm cả.
Chỉ nhớ ra cần tiết kiệm khi đã hết tiền
Khi có lương, người biết quản lý tài chính luôn biết gửi tiết kiệm online hoặc để riêng một khoản dù nhỏ, sau khi trừ đi các khoản phải chi dự tính. Ngược lại, tôi và những người thích tiêu tiền bừa phứa lại chỉ nhớ ra mình phải tiết kiệm khi rơi vào cuối chu kỳ trả lương. Thói đời, thường khi hết tiền, người ta sẽ tự vấn an bản thân và đặt ra rất nhiều lời hứa trong tương lai nhưng khi có tiền thì mọi thứ lại bay biến rất chóng vánh.
Thế nên tôi khuyên thật, dù ít hay nhiều, hãy tự đặt ra mức ngân sách tối đa chi tiêu trong tháng rồi để riêng một khoản tiết kiệm sang một bên. Nếu sợ tiêu lẹm vào, bạn có thể sử dụng công cụ tiết kiệm gửi góp của các ngân hàng hiện nay, cho phép gửi số tiền chỉ từ 50.000 đồng trở lên và gửi bất cứ lúc nào bạn muốn. Hoặc cách đơn giản khác là nhờ người thân giữ hộ. Cách này là để mỗi khi định rút tiền mua sắm gì đó, bạn kiểm tra tài khoản thanh toán thấy số dư còn không nhiều, cách chi tiêu ắt sẽ phải điều chỉnh theo.
Nghĩ tiết kiệm là ky bo
Tôi đã từng có suy nghĩ như thế. Và cái giá là bây giờ tôi cực kỳ ân hận vì sự ấu trĩ của mình. Nếu bạn cũng có suy nghĩ này, đây chắc hẳn là sai lầm lớn nhất cản trở việc bạn có một cuốn sổ tiết kiệm cho riêng mình.
Những người giàu thường tiêu ít, làm nhiều. Vì không muốn mang tiếng ky bo, bạn luôn thích lên "đời" các vật dụng. Thay vì chỉ nghĩ đến mua chiếc TV mới khi nó hỏng, bạn luôn muốn mang về nhà chiếc TV dùng công nghệ mới nhất. Hay đôi giày thời trang mới ra lò, bạn cố kiết mua bằng được, dù tủ giày của bạn chật ních và đi chẳng hết.
Cho rằng "tiền chẳng thể mang theo khi chết đi"
Suy nghĩ này rất đúng. Tôi xưa giờ vẫn quan niệm như vậy.
Nhưng, sự thật là chi phí mai táng càng đắt đỏ. Điều đó có nghĩa rằng, nếu bạn không có một khoản tiết kiệm nào, bạn đã để lại những gánh nặng không hề nhỏ cho người thân của mình. Hình dung tới việc này, tôi nổi hết da gà. Sống làm gánh nặng người khác và khi lìa đời vẫn là gánh nặng của người khác, thật sự đáng sợ.
Do đó, bên cạnh việc biết hưởng thụ, bạn cũng nên học cách tiết kiệm, nhất là thời trẻ.
Theo Trí thức trẻ