4 BÀI HỌC KINH DOANH TỪ NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG RONG

4 BÀI HỌC KINH DOANH TỪ NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG RONG

Nghĩ đến những gánh hàng rong chắc hẳn mỗi chúng ta thường liên tưởng tới những con người tần tảo với vẻ mặt khắc khổ, dãi nắng dầm sương. Trên vai họ là gánh hàng nặng trĩu, trên miệng khắc khoải những câu rao bán mệt nhoài và nhiều khi họ còn là điểm tựa của cả một gia đình. Có những người thương cảm, có người khinh khi, nhưng đâu phải ai cũng hiểu được ẩn sâu sau những nhọc nhằn ấy là bậc thầy kinh doanh với không ít kinh nghiệm bán hàng mà chắc hẳn nhiều ông chủ lớn cũng chẳng hiểu bằng họ.

BÀI HỌC 1: Chọn địa điểm bán hàng phù hợp

Gánh hàng rong tức là không có cửa hàng cố định, bất kể chỗ nào, bất kể lúc nào, miễn là có thể đặt gánh hàng và đứng bán thì họ đều có thể dừng lại. Trên thực tế, người bán hàng rong phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mỗi khi trời mưa, trời nắng, mỗi khi ốm đau, mỏi mệt, nhưng cái mà họ có, đó là dễ dàng chọn lựa được một địa điểm bán hàng phù hợp. Không phải ngẫu nhiên mà bạn thấy trước cổng công ty thường hay có hàng bán xôi, bán bánh mì buổi sáng và cũng chẳng bỗng dưng trước các cổng trường, bến xe bus ít nhiều cũng xuất hiện những món ăn vặt như cá viên chiên, bắp nướng, khoai nướng,… Họ thường chọn những địa điểm có nhu cầu ăn uống, có hướng gió thổi mạnh và có lượng người qua lại đông đúc. Chẳng hề lạ khi đi ngoài đường mà phải nức mũi vì mùi thịt xiên nướng, bắp rang bơ sau mỗi chiều tan ca khiến người đi đường không thể nào kiềm chế được trước mùi vị hấp dẫn liên tục mời gọi. Tưởng chừng đơn giản nhưng đó cũng là một bí quyết khi chọn nơi đầu gió để bán hàng và chọn lúc sắp tới bữa, mọi người được tan ca để bán hàng.

Làm tất cả mọi thứ đều có sự tính toán, không cần ai hướng dẫn nhưng các bậc thầy hàng rong họ luôn biết phân tích để lựa chọn điểm bán phù hợp nhất. Không chỉ vậy, họ còn dạy cho ta nên bán mặt hàng gì. Chẳng hạn như cạnh trường học thì bán đồ ăn vặt, hàng kem dạo,… còn cạnh nơi công sở thì thường là hàng cà phê, trà chanh, trà đá,…

BÀI HỌC 2: Phải biết cách làm hài lòng khách hàng

Joe Ades – Một huyền thoại bán hàng và là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai làm nghề bán hàng khi trở thành triệu phú chỉ nhờ việc bán dao cạo khoai tây giá 5 USD trên đường phố Manhattan, New York, Mỹ. Với cách làm độc đáo và kỹ năng bán hàng xuất chúng, Ades đã biến việc bán một sản phẩm đơn giản thành một “chương trình” biểu diễn thực tế với sản phẩm đó đầy hấp dẫn và gây chú ý ngay trên đường phố.

4 bài học kinh doanh từ những người bán hàng rong

Để thực hiện việc bán hàng có phần “lạ lùng” của mình, trong mỗi ngày làm việc, Ades không chỉ “bán hàng” mà còn không ngừng trò chuyện với khách hàng. Thay vì cố gắng tìm cách khiến khách hàng “rút ví”, ông cố gắng quan tâm và thu hút sự chú ý của họ. Đây là yếu tố cốt lõi để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. “Hãy tới đây nào, tôi muốn cho các bạn thấy con dao này có thể làm được gì. Tôi không xin tiền đâu”. Với lời mở đầu đầy hấp dẫn, nhanh chóng thu hút đám đông rồi ông bắt đầu ngồi xuống ghế và bắt đầu “màn trình diễn” với con dao nạo khoai tây. Những miếng khoai tây, cà rốt được nạo thành hình bông hoa rất bắt mắt và đặc biệt ông không ngừng trò chuyện với mọi người trong quá trình ấy. “Đây là những bông hoa cà rốt, hãy làm chúng cho bọn trẻ nhà bạn và chúng sẽ ăn vì nghĩ đó là kẹo”. Màn trình diễn được lặp đi lặp lại mỗi ngày từ 40-60 lần.

Một câu chuyện bình thường nhưng lại chứa đựng những điều phi thường. Người bán hàng rong luôn biết cách trò chuyện với mọi người, biết cách thu hút và đưa đẩy khiến người mua cảm thấy thú vị. Vì thế mà bao nhiêu người từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà đều mua hàng, cũng không phải vì món hàng quá đặc biệt.

Người bán hàng rong không phải những người có kiến thức uyên bác, thâm sâu nhưng cái họ có là trải nghiệm thực tế và một người thầy vĩ đại đó là “cuộc đời”. Nghệ thuật làm hài lòng khách hàng của họ là cái mà chúng ta đáng khâm phục và học hỏi.

BÀI HỌC 3: Làm marketing cho sản phẩm

Trong ký ức của nhiều người, tiếng rao của những người buôn gánh bán bưng chạy dọc khắp con phố như “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm bơ, 2 ngàn 1 ổ”, “Kẹo kéo vừa kéo vừa dài, vừa dai vừa ngọt. Chạy tọt về nhà, xin bà 5 xu, ra mua kẹo kéo”,… hay đôi khi là tiếng kim loại leng keng, tiếng lóc cóc của chuông gõ,… tất cả luôn là điều gì đó kỳ lạ đến thu hút. Từng tiếng rao mộc mạc, thật thà và giản dị nhưng ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người từ thế hệ trước đến nay. Chỉ đôi câu ngắn ngủi nhưng ẩn chứa những thông điệp từ nguồn gốc, giá cả, đặc trưng của sản phẩm,… mà liệu rằng đến những thương hiệu nổi tiếng có chắc sẽ làm được các chiến dịch Marketing như vậy không?

4 bài học kinh doanh từ những người bán hàng rong

Hay những câu rao vui tai như “Bánh mì nóng giòn mới ra lò đây/ Bí mành nón giòng mó ra lời đây”… Lời rao dõng dạc mà hài hước là cả một nghệ thuật, khiến người đi đường phải tò mò và dừng lại xem họ rao bán gì, rồi hỏi giá và thấy rẻ thì họ cũng mua. Đây cũng là một cách hiệu quả, cần sự sáng tạo và cái duyên của người bán.

BÀI HỌC 4: Biết cách xử lý tình huống khéo léo

Kinh doanh không có gì là bất biến, bởi thị trường luôn luôn thay đổi và người bán hàng rong phải đối mặt trực tiếp với điều đó. Họ vừa là người bán, kiêm luôn cả người tiếp thị, tư vấn, chăm sóc khách hàng vì thế cần có sự khéo léo để xử lý những tình huống bất ngờ. Một câu chuyện cho thấy bài học trong việc xử lý tình huống như sau:

Có một vị khách đi mua sữa bò vào một sáng cuối tuần. Khi anh ta đang đi thì gặp người gánh hàng rong đang bán sữa bò ở ven đường, anh đã tiến đến và hỏi giá. Người bán hàng rong trả lời: “1 chai 3 đồng, 3 chai 10 đồng”. Vị khách không nói gì liền lấy trong túi ra 3 đồng để mua 1 chai, rồi mua thành 3 lần. Mua xong anh ta rất đắc ý cười lớn nói với người bán hàng rong: “Ông có thấy không, tôi chỉ trả 9 đồng đã mua được 3 chai sữa!”. Người bán hàng rong không nói gì, chỉ mỉm cười và thầm nghĩ: “Hay thật! Từ khi áp dụng phương pháp tính giá này, chỉ một thoáng mình đã bán được 3 chai sữa”. Qua câu chuyện này bài học rút ra rằng muốn bán bất cứ thứ gì cũng cần có chiến lược và cái khó là làm thế nào để xử lý cho tốt. Và điều tất nhiên là phải tự tin vào sản phẩm của mình, biết làm thế nào để làm hài lòng đôi bên.

Lời kết

Trên thực tế, không ít người đã thành công từ những ngày rong ruổi bán hàng trên đường phố. Không cần bằng cấp quá cao siêu nhưng từ những trải nghiệm thực tế trong đời sống là điều mà chúng ta nên học hỏi từ người bán hàng bậc thầy này.

Theo: Quản trị phân phối

About Author