Do thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính, những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập thường gặp rắc rối trong việc kế toán. Một số vấn đề thường gặp có thể kể đến như: hóa đơn chứng từ bị thất lạc, nhập liệu sổ sách sai hay không hiểu cặn kẽ chính sách thuế.
1. Tiết kiệm!
Đây là nguyên tắc tối quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp mới thành lập. Trên thực tế, nhiều người khi doanh nghiệp kiếm được lời trong những năm đầu tiên vì quá hào hứng nên nảy sinh tâm lí muốn hưởng thụ. Khoản tiền lãi đó được dùng vào những món hàng hay thú vui xa xỉ của người chủ doanh nghiệp. Phần lớn cánh mày râu đều muốn tận hưởng ngay những thành quả đạt được. Tuy nhiên, đó lại không phải là một cách quản lý tài chính hợp lý. Lời khuyên được đưa ra rằng: chờ doanh nghiệp đi vào ổn định sau vài năm, lúc đó bạn có thể bắt đầu sử dụng các khoản lợi nhuận kiếm được. Còn trước đó, hãy nhớ là phải tiết kiệm!
2. Giải bài toán nhân sự
Trong một doanh nghiệp nhỏ, chi phí lớn nhất chính là tiền lương cho nhân viên. Vì thế, chủ doanh nghiệp cần phải cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề này. Đừng tuyển dụng thêm người cho doanh nghiệp nếu không thực sự cần thiết. Ngoài ra, bên cạnh tiền lương, doanh nghiệp còn phải trích một khoản tiền như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế,… cho mỗi người. Song, nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn đã sử dụng đến khoản tiền quỹ này. Như vậy là vi phạm tài chính và có thể doanh nghiệp của bạn sẽ bị phạt nếu rơi vào trường hợp như thế. Vì vậy, bài toán nhân sự luôn song hành với bài toán tài chính. Xử lý vấn đề nhân sự cũng là cách đấng mày râu quản lý tài chính cho doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả.
3. Sử dụng thẻ tín dụng dành cho doanh nghiệp
Thẻ tín dụng cho doanh nghiệp là một dụng cụ quản lý tài chính hiệu quả dành cho doanh nghiệp nhỏ. Sở hữu loại thẻ này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm một nguồn vốn lưu động sẵn có. Bên cạnh đó, cánh mày râu còn có thể tách biệt được chi tiêu doanh nghiệp và chi tiêu cá nhân, tránh những rắc rối không cần thiết giữa cả hai loại chi tiêu. Với thẻ tín dụng dành cho doanh nghiệp, các quy trình thanh toán được tự động hóa và được lưu trữ dữ liệu rõ ràng. Qua đó, bạn không cần lo lắng về việc nhập liệu sai số hay các hóa đơn chứng từ bị lạc mất.
4. Thỏa thuận với nhà cung cấp
Là một doanh nghiệp nhỏ, bạn cần phải giao dịch với các nhà cung cấp bên ngoài như dịch vụ giao hàng, dịch vụ bảo vệ,… Những dịch vụ này đóng vai trò quan trọng cho doanh nghiệp của bạn. Khi giao dịch, đừng ngần ngại thương lượng các điều khoản hợp đồng. Đó nên là một bản hợp đồng hai bên cùng có lợi. Nhiều chuyên gia kinh tế khuyên rằng: doanh nghiệp nhỏ nên chọn các nhà cung cấp cho phép thanh toán sau 30 ngày kể từ khi nhận dịch vụ thay vì phải trả tiền ngay lập tức. Lí giải cho điều này, các chuyên gia cho biết trong 30 ngày đó, bạn có đầy đủ thời gian giải quyết, sắp xếp các khoản chi tiêu theo thứ tự ưu tiên, từ đó dẫn đến việc quản lý tài chính cho doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Tham khảo: Forbes