Những biến cố như đột ngột mất việc hay đổ bệnh là cơn ác mộng với tất cả mọi người, khiến bạn phải thực hiện nhiều thay đổi lớn trong tình trạng căng thẳng.
Tuy nhiên, bạn có thể vượt qua bằng những hành động thực tế như tiết kiệm nhiều hơn, trả bớt nợ. Nó không chỉ giúp bạn lấy lại sự tự tin, mà còn cải thiện tâm trạng đáng kể. Bạn càng ít lo lắng về các vấn đề tài chính thì càng hạnh phúc. Theo Life Hacks, dưới đây là các bí quyết giúp bạn lấy lại được khả năng kiểm soát tài chính.
1. Xác định vấn đề
Bước đầu tiên để thoát khỏi khủng hoảng là xác định được gốc rễ vấn đề. Khó khăn tài chính chỉ là dấu hiệu của một vấn đề khác lớn hơn, đòi hỏi giải pháp lâu dài. Giống như việc để một xô nước dưới vòi nước bị rỉ chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu bạn sửa chính cái vòi, nước sẽ không bị rỉ nữa. Tương tự, thay vì lo lắng trước áp lực, hãy tập trung giải quyết vấn đề gây ra khó khăn tài chính.
2. Lập ngân sách
Một trong những cách tốt nhất để giải quyết khó khăn tài chính là lập kế hoạch ngân sách. Nó có thể theo tuần, tháng hoặc năm, giúp bạn điều chỉnh chi tiêu. Điều quan trọng là bạn phải theo dõi ngân sách của mình ít nhất vài tuần một lần, để nắm rõ mình đã tiêu bao nhiêu và tìm ra những khoản chi có thể tiết kiệm, như giảm bớt các hoạt động giải trí, giảm ăn ngoài hay không mua đồ quá tay.
3. Lập ra các ưu tiên tài chính
Xác định các ưu tiên tài chính là điều không thể thiếu nếu muốn vượt qua khó khăn tài chính. Những ưu tiên này giúp bạn có động lực thực hiện quyết định khó khăn, như trả hóa đơn tín dụng, lãi thế chấp hoặc tiết kiệm để sửa nhà. Chúng sẽ giúp bạn xử lý những rắc rối về tiền bạc và ổn định lại tài chính. Bạn cũng có động lực kiếm thêm thu nhập như làm ngoài giờ, cắt bớt chi phí nhà cửa hoặc thế chấp tài sản để có thể tận dụng linh hoạt các nguồn tài chính.
4. Giải quyết vấn đề
Hầu hết mọi người có thể giải quyết khủng hoảng bằng cách cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập, hoặc kết hợp cả hai. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy, vì thay đổi phong cách sống luôn là điều khó khăn.
Vậy nên, hãy hoàn thành các mục tiêu nhỏ trước khi thực hiện thay đổi lớn. Ví dụ, tập trung trả hết khoản nợ nhỏ nhất trước. Sau đó mới đến các khoản lớn. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát cảnh nợ nần.
5. Triển khai kế hoạch và theo dõi tiến độ
Khi đã tìm ra cách thoát khỏi khủng hoảng, hãy lập một kế hoạch cụ thể với mục tiêu cần đạt theo từng đợt. Đừng quên dành thời gian nhìn nhận lại tiến độ của mình để đánh giá và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
Những khó khăn tài chính thường bất ngờ phát sinh như những vị khách không mời mà đến. Bí quyết để đối phó với chúng là phải linh hoạt, lập và điều chỉnh ngân sách cũng như tạo ra những thay đổi thích hợp.
Theo VnExpress