7 bí quyết xây dựng thương hiệu tích cực "không tốn một xu" dành cho mọi doanh nghiệp

7 bí quyết xây dựng thương hiệu tích cực "không tốn một xu" dành cho mọi doanh nghiệp

Bất kể doanh nghiệp to hay nhỏ, bạn đều có thể tận dụng 7 cách sau để xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.

Sự quan tâm tích cực của công chúng sẽ trở thành một công cụ mạnh nếu doanh nghiệp biết áp dụng đúng lúc. Càng nhiều người nhìn bạn hay công ty của bạn ở góc nhìn tích cực thì đội ngũ bán hàng của bạn sẽ càng dễ dàng để thu hút khách hàng mới, chinh phục các nhà đầu tư cũng như tuyển dụng nhân tài. Đó chính là sức mạnh của PR.

Nếu bạn là một công ty khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể không có đủ vốn để đầu tư 5.000 - 10.000 USD mỗi tháng cho PR. Chia sẻ trên trang Entrepreneur, Brian Jones - Sáng lập công ty PR Nuts and Bolts, cho biết 7 bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn tạo dựng thương hiệu tích cực cho công ty mà "không tốn một xu".

1. Tham gia các giải thưởng

Theo Brian, các giải thưởng là "bí quyết tăng uy tín tức thì" dành cho doanh nghiệp. Và không phải giải thưởng nào cũng yêu cầu nộp phí để được tham gia. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội nộp hồ sơ doanh nghiệp tham gia nhiều giải thưởng khác nhau, ở quy mô trong nước và quốc tế. Đây là một cách hiệu quả để bạn thu hút sự chú ý của báo chí, đưa thương hiệu công ty đến gần với công chúng mà không phải chi trả một khoản tiền quảng cáo quá lớn.

2. Viết blog thường xuyên

Hãy viết về những bài học của cuộc sống, về các chủ đề kinh doanh, những tin tức mới mỗi ngày hay bất cứ điều gì liên quan đến bạn. Hãy chia sẻ quan điểm lãnh đạo của bạn trên LinkedIn, Medium hay những trang blog cộng đồng. Khi viết, bạn cần xác định rõ độc giả sẽ nhận được gì từ bài viết của bạn.

Bằng cách chia sẻ những thông tin hữu ích cho người đọc, bạn có thể tăng uy tín nhân hiệu và đưa thương hiệu công ty trở nên thân thuộc với công chúng. Điều này cũng giúp bạn kết nối với những doanh nhân đồng quan điểm trong ngành công nghiệp, từ đó nhiều cơ hội hợp tác mới sẽ xuất hiện.

3. Kết nối với những nhân vật có sức ảnh hưởng

Hãy giới thiệu bản thân với những đối tác quan trọng trong cộng đồng, những người có sức ảnh hưởng tại địa phương. Song, đừng hỏi nhờ họ giúp đỡ công ty của bạn ngay lập tức. Thay vào đó, hãy thường xuyên gặp gỡ để họ dần biết được bạn đang kinh doanh ở lĩnh vực nào, điều gì làm bạn quan tâm cũng như sản phẩm, dịch vụ của công ty bạn là gì. Hãy hỏi xem bạn có thể hỗ trợ được gì cho công việc của họ không.

Khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết, họ sẽ chủ động kết nối bạn với những cơ hội phù hợp. Mạng lưới mối quan hệ càng rộng thì bạn càng có nhiều cơ hội tiềm năng. Họ sẽ có thể mời bạn dẫn dắt một sự kiện cộng đồng, tham gia trò chuyện trên sóng truyền hình cùng họ hay chấp nhận trả lời báo chí về một thành tựu nào đó của công ty bạn.

4. Tài trợ cộng đồng

Không phải lúc nào bạn cũng cần phải tài trợ tiền cho các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đóng góp tài chính, bạn có thể tổ chức những hoạt động thu dọn bãi biển, hỗ trợ cộng đồng dân cư nghèo, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh hay khuyến khích nhân viên tham gia tình nguyện cho các dự án cộng đồng tại địa phương. Đây là cách để bạn vừa xây dựng uy tín thương hiệu vừa thúc đẩy cộng đồng địa phương phát triển.

Hãy chọn ra vấn đề cộng đồng thu hút sự quan tâm của tập thể công ty. Mời nhân viên cùng bạn tham gia góp sức. Càng có nhiều nhân viên tham gia cùng, bạn sẽ càng lan tỏa được giá trị thương hiệu trong nội bộ doanh nghiệp.

5. Tham gia vào các hội thảo, sự kiện kết nối tại cộng đồng

Tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bất kể là hợp tác với chính quyền địa phương, các nhóm doanh nhân hay hiệp hội thương mại, cũng đều mang đến các mối quan hệ có lợi cho công việc kinh doanh. Đây sẽ là cơ hội để bạn xây dựng mối quan hệ với các thành viên trong chính quyền địa phương, từ đó trực tiếp trao đổi những vướng mắc liên quan đến môi trường kinh doanh hiện tại.

6. Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Nếu công ty có thông tin nào mang tính thời sự, hãy chủ động cung cấp cho các phóng viên liên quan. Hãy lập danh sách những đơn vị truyền thông, báo chí quan tâm đến các tin tức về ngành công nghiệp mà bạn đang kinh doanh. Gửi cho họ những email cập nhật thông tin hoạt động của công ty. Nếu các thông tin thật sự hữu ích, họ sẽ đăng tải miễn phí. Nếu họ không hứng thú với các thông tin này, hãy đăng tải lên website, mạng xã hội của công ty. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được số tiền cần phải chi trả cho các agency truyền thông.

7. Biến mạng xã hội thành "chiếc loa"

Hãy nghĩ về mạng xã hội như chiếc loa phát thanh của bạn. Bất kể khi nào bạn có nguồn vốn mới, đợt tuyển dụng quy mô lớn hay bất cứ sự kiện tương tự có liên quan đến cộng đồng, bạn có thể dùng mạng xã hội để trực tiếp đưa ra các thông báo ấy.

Khi tham gia một sự kiện nào đó, hãy chụp một bức ảnh đăng tải lên Facebook, chia sẻ qua trang Twitter, LinkedIn cũng như gửi thông tin đến phóng viên quen thuộc. Hãy cho cộng đồng thấy công ty của bạn đang tích cực hoạt động ra sao. Vì những thông báo định kỳ sẽ đưa thương hiệu công ty trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.

Kết

Bất kể doanh nghiệp to hay nhỏ, bạn đều có thể tận dụng các bí quyết trên để gia tăng hình ảnh thương hiệu, tạo dựng danh tiếng tích cực cho bản thân. Trong thế giới đa phương tiện ngày nay, bạn có đủ công cụ để tận dụng sức mạnh của PR tích cực cho doanh nghiệp.

Đừng ngần ngại đưa bản thân ra trước công chúng. Vì nếu bạn không kể về câu chuyện của chính mình, của công ty bạn thì cộng đồng sẽ không thể biết được công ty của bạn đang làm gì.

Nguồn: DNSG

About Author

Dark Swan
Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com