Với mỗi thất bại của một doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đều có thể tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để không đi vào vết xe đổ ấy.
Beepi: Không kiểm soát được thu – chi
Thành lập năm 2013, tham vọng của những nhà sáng lập Beepi là tạo ra một thị trường kinh doanh trên mạng sản phẩm xe hơi cũ thật sôi động, nơi những chiếc xe đã qua sử dụng được mua bán và trao đổi với giá cả phù hợp cùng với chất lượng tốt nhất. Rất nhanh chóng sau đó, Beepi đã gọi được số vốn đầu tư lên tới 150 triệu USD (được huy động từ 35 nhà đầu tư, như nhà đầu tư Yuri Milner, Công ty Comerica, Redpoint… – theo ghi nhận của website TechCrunch.com chuyên về tin tức công nghệ, được định giá hơn 25 triệu USD) và có thời điểm, giá trị của Beepi được xác định lên tới 560 triệu USD. Tuy nhiên, bước vào năm 2017, Beepi rơi vào khủng hoảng không thể cứu vãn, đến nỗi phải bán dần tài sản và đang trong quá trình đóng cửa.
“Beepi sở dĩ có thể thuyết phục nhiều nhà đầu tư như vậy là bởi họ giống như một doanh nghiệp được mang ra từ sách giáo khoa” – Ingrid Lunden, nhà bình luận người Anh chia sẻ trên trang TechCrunch.com – “Họ khai thác một thị trường có tiềm năng lớn, họ hoàn toàn có thể cạnh tranh về chi phí với các cửa hàng buôn bán xe hơi truyền thống, và họ có một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, thông minh. Tuy nhiên, cách sử dụng vốn của họ thì lại quá sai lầm”. Đơn cử, một cựu nhân viên của Beepi từng tiết lộ với Ingrid Lunden rằng hãng đã chi trung bình hơn 7 triệu USD mỗi tháng để trả lương cho toàn bộ nhân sự và công ty có tới hơn 300 nhân viên ngay từ những ngày đầu. Một sự phình to chi phí quá lớn so với mức phát triển thực của công ty.
“Họ chi tiêu như thể một gã vừa trúng số và cố xài tiền cho bõ những ngày cực nhọc. Họ sẵn sàng chi 10.000 USD cho một chiếc ghế sofa trong phòng họp riêng của giám đốc điều hành, rồi phí điện thoại, phí xe hơi… cho những người đồng sáng lập khác. Thiếu cân bằng và vững vàng trong cấu trúc chi tiêu như vậy, nên khi thị trường không phát triển như kỳ vọng, một bộ máy cồng kềnh với doanh thu nhỏ giọt (theo số liệu của Ingrid Lunden, vào quý III/2016, Beepi chỉ bán được 153 chiếc xe/tháng ở California, Mỹ, trong khi những cửa hàng bán xe cũ truyền thống ở California bán tới 8.500 chiếc xe/tháng), đã khiến họ nhanh chóng sụp đổ” – Ingrid Lunden kết luận.
Quixey – Sức ép từ nợ, nhà đầu tư và đối tác
Tự gọi mình là “công cụ tìm kiếm những ứng dụng thông minh”, Quixey nhanh chóng gọi được 50 triệu USD vào tháng 10/2013. Chưa dừng lại, Quixey còn ký với gã khổng lồ Alibaba một hợp đồng thương mại trị giá tới 100 triệu USD, một bước nhảy vọt khiến Quixey trở thành ngôi sao của giới khởi nghiệp.
2 năm sau, tháng 3/2015, Quixey huy động được thêm 60 triệu USD, từ Alibaba, Goldman Sachs, SoftBank… Thời điểm này, Quixey được định giá lên tới gần 540 triệu USD (số liệu ghi nhận từ trang Axios.com). Thế nhưng, việc phát triển quá nhanh lại khiến công ty trục trặc. Cụ thể, Quixey đã không thể đáp ứng kịp đòi hỏi cũng như hoàn thành được những thỏa thuận đã ký kết với đối tác. Điều này khiến Quixey liên tục bị giam vốn và bị tạo ra sức ép lớn trong quá trình phát triển sản phẩm, phát triển chiến lược, khiến đội ngũ quản lý trở nên lúng túng và đánh mất sự kiểm soát. Đỉnh điểm, vào tháng 2/2017, Quixey phải tạm dừng hầu hết hoạt động kinh doanh của mình.
“Với doanh nghiệp khởi nghiệp, nợ nói chung và huy động vốn nói riêng là một việc làm vô cùng nguy hiểm – Dan Primak, nhà bình luận người Mỹ, biên tập viên cao cấp của tờ Fortune, chia sẻ – Nếu doanh nghiệp chưa có sản phẩm hay đường hướng phát triển cụ thể thì phát triển quá nhanh, chịu những khoản nợ sớm, ký những hợp đồng lớn sớm, hay huy động vốn sớm… sẽ dẫn tới việc phải chịu sức ép cực kỳ khủng khiếp. Sức ép này khiến họ không có thời gian để thử và sai như trước nữa. Ngoài ra, khi những công ty đa quốc gia đầu tư vào một doanh nghiệp, ngoài xung đột lợi ích, đường hướng phát triển, còn là sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh, điều sẽ khiến mọi chuyện ngày càng phức tạp, hỗn loạn”.
Jawbone – Đứng im quá lâu
Thành lập năm 1999, Jawbone là một doanh nghiệp khởi nghiệp khá thành công với các thiết bị công nghệ đeo tay. Có thời điểm, Jawbone được định giá tới 1,5 tỉ USD. Thế nhưng mới đây, giám đốc điều hành của hãng, Hosain Rahman, phải thanh lý toàn bộ tài sản công ty và chuyển hướng phát triển qua việc thành lập một trung tâm sức khỏe với tên Jawbone Health (theo tờ Fortune).
“Sự sụp đổ của Jawbone có nguyên nhân lớn đến từ sự tụt hậu của hãng so với đối thủ trực tiếp Fitbit. Cụ thể, Hosain Rahman luôn tin những sản phẩm của Fitbit kém hơn của Jawbone, và ông không muốn tung một sản phẩm nào chưa hoàn hảo ra thị trường. Tuy nhiên, trong khi các sản phẩm mới của Fitbit luôn được ghi nhận là hoàn hảo, thì hai năm liền (2014 và 2015) Jawbone không có một sản phẩm nào mới. Kết thúc năm 2015, theo số liệu của Công ty Dữ liệu IDC, trong khi Fitbit chiếm tới 34% thị phần, thì Jawbone chỉ đạt 4,4%. Và với một khoảng cách quá xa như thế, trong thế giới công nghệ với những gã khổng lồ lúc nào cũng muốn nuốt chửng thị trường như Apple, Nike…, thì Jawbone không có cơ hội để gượng lại” – Steve Kovach, nhà bình luận người Mỹ, chia sẻ trên trang Business Insider.
Nguồn: DNSGCT