Mọi rủi ro đều gắn liền với khả năng sinh lời, vì thế rủi ro luôn có tác động hai mặt tích cực hoặc tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phòng ngừa, hạn chế được rủi ro, thậm chí biến rủi ro thành cơ hội kinh doanh thì sẽ đạt được những lợi ích nhất định. Ngược lại, nếu không nắm bắt, phòng ngừa hoặc hạn chế được rủi ro thì những tổn thất, thiệt hại của rủi ro tài chính gây ra sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Nếu rủi ro quá lớn, không khắc phục được, doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng suy thoái, mất khả năng thanh toán và có thể bị phá sản.
Góc nhìn lý thuyết về rủi ro tài chính
Rủi ro tài chính là những rủi ro có liên quan đến sự giảm giá tài chính (còn gọi là rủi ro kiệt giá tài chính) và rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Mục tiêu của hoạt động kinh doanh và của quản trị tài chính DN đều nhằm tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu mà trực tiếp là tối đa hóa lợi nhuận DN.
Mặt khác, xuất phát từ bản chất của rủi ro là sự khác biệt giữa giá trị thực tế và giá trị kỳ vọng. Vì thế, có thể nói rủi ro giảm giá tài chính là sự khác biệt giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận kỳ vọng gắn liền với sự biến động của yếu tố giá cả thị trường như lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hoá hoặc chứng khoán.
Rủi ro giảm giá tài chính phản ánh sự nhạy cảm của lợi nhuận DN trước sự biến động, giá cả thị trường. Mức độ ảnh hưởng của rủi ro giảm giá tài chính được đo bằng sự biến động hay sự khác biệt của lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng của DN khi có sự tác động của việc giảm giá tài chính. Việc phòng ngừa rủi ro giảm giá tài chính thường gắn liền với việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hợp đồng hoán đổi.
Khác với rủi ro giảm giá tài chính, rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính là sự khác biệt giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận kỳ vọng của DN gắn liền với các hoạt động tài chính như: Huy động vốn, đầu tư sử dụng vốn kinh doanh hoặc phân phối lợi nhuận của DN…
Vì vậy, rủi ro tài chính là sự biến động hay sự khác biệt của lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng của DN phát sinh từ những biến động của giá cả thị trường như: lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hoá, chứng khoán và việc thực hiện các quyết định tài chính DN.
Phân tích tác động của rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp
Trên thực tế, phần lớn các DN kinh doanh trên thị trường đều ngại rủi ro, vì thế khi xem xét tác động của rủi ro tài chính, mặt tác động tiêu cực của rủi ro thường được các DN quan tâm xem xét, đánh giá đầy đủ hơn. Những tác động của rủi ro tài chính đối với DN có thể được xem xét trên các khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, tác động rủi ro tài chính đến chi phí của DN: Tác động rủi ro tài chính đến chi phí của DN thể hiện ở 3 khía cạnh: Chi phí huy động vốn (hay chi phí sử dụng vốn), chi phí kinh doanh và chi phí khó khăn tài chính của DN. Đối với chi phí huy động vốn, nếu DN có rủi ro tài chính cao, các nhà tài trợ hay đầu tư vốn vào DN bao giờ cũng tính toán phần bù đắp rủi ro. Điều này sẽ làm tăng chi phí sử dụng vốn kinh doanh của DN.
Đối với chi phí kinh doanh, khi rủi ro xảy ra dẫn tới việc gia tăng các khoản chi phí kinh doanh của DN. Những khoản chi phí kinh doanh phát sinh do có rủi ro tài chính như: Chi phí tăng thêm từ giá cả nguyên vật liệu, lãi vay, từ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong kinh doanh; các chi phí thiệt hại về tài sản có rủi ro; các chi phí để khắc phục, bồi thường hay xử lý những tổn thất do rủi ro mang lại.
Đặc biệt, nếu DN lâm vào tình trạng suy thoái, phá sản còn xuất hiện các chi phí khó khăn tài chính, bao gồm: Các chi phí khó khăn tài chính trực tiếp liên quan đến thực hiện phá sản DN và các chi phí khó khăn tài chính gián tiếp như mất thị trường, mất khách hàng, chảy máu chất xám, mất thương hiệu… làm cho giá trị DN sẽ bị sụt giảm.
Thứ hai, tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của DN: Xét về lý thuyết, với những dự án mang lại lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn, do đó khi đưa ra quyết định đầu tư thì DN thường xem xét lợi nhuận mà dự án mang lại có tương xứng với những rủi ro mà DN có thể gặp phải.
Tuy nhiên, khi xét trong dài hạn, những tác động theo chiều hướng xấu của rủi ro tài chính sẽ dẫn tới việc xói mòn lợi nhuận, nếu DN không đưa ra được các biện pháp quản trị rủi ro tài chính hiệu quả. Do đó, khi rủi ro xảy ra sẽ dẫn tới việc gia tăng các khoản chi phí cho DN, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của DN có thể xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, những rủi ro về giảm giá hàng hóa, dịch vụ đầu ra của DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận thực hiện của DN. Nếu giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ biến động bất lợi, giảm thấp dưới giá thành sẽ làm giảm lợi nhuận của DN, thậm chí thua lỗ và ngược lại.
Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận DN còn có thể xem xét từ góc độ tác động của đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận trước thuế, lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu của DN. Lý thuyết tài chính đã chỉ ra rằng, nếu DN có đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính cao nhưng quản lý sử dụng chi phí kinh doanh, vốn kinh doanh kém hiệu quả sẽ không tận dụng được tác động tích cực của đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính trong việc gia tăng lợi nhuận, ngược lại làm cho lợi nhuận DN, lợi nhuận vốn chủ sở hữu ngày càng giảm sút. Đây chính là những tác động tiêu cực của rủi ro đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận DN và lợi nhuận vốn chủ sở hữu.
Rủi ro tài chính cũng tác động đến lợi nhuận DN từ góc độ rủi ro tín dụng thương mại, rủi ro thanh khoản của DN. Nếu DN để khách hàng chiếm dụng vốn quá hạn từ bán chịu hàng hóa, hoặc quản trị dòng tiền không tốt sẽ gây nên tình trạng thiếu vốn kinh doanh, vốn luân chuyển chậm, không bảo toàn được vốn, mất khả năng thanh toán nợ… Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của DN.
Thứ ba, tác động của rủi ro tài chính đến hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN: Tác động của rủi ro tài chính đến chi phí kinh doanh, lợi nhuận của DN suy cho cùng là tác động tới hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN. DN kinh doanh có hiệu quả cao thì tình hình tài chính DN sẽ càng lành mạnh, năng lực cạnh tranh của DN sẽ càng cao. Điều này giúp DN tránh được các rủi ro trong thanh toán nợ phải trả đến hạn, ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ và rủi ro phá sản trong kinh doanh.
Thứ tư, tác động của rủi ro tài chính đến giá trị DN.
Rủi ro tài chính theo chiều hướng xấu sẽ kéo theo sự sụt giảm dòng tiền mà DN nhận được trong tương lai, trong khi đó do rủi ro gia tăng nên tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư sẽ lớn để bù đắp. Từ đó dẫn tới sự sụt giảm của giá trị DN.
Rủi ro tài chính đã tăng lên đáng kể những năm gần đây. Kết quả của nền kinh tế toàn cầu hoá là rủi ro có thể bắt nguồn từ những sự kiện xảy ra tại các nước cách xa hàng ngàn dặm sang phản ứng của thị trường lại cập nhật và xảy ra hết sức nhanh nhạy. Tình hình kinh tế thị trường có thể bị ảnh hưởng nhanh chóng bởi những thay đổi trong tỷ giá hối đoái, lãi suất, giá cả hàng hoá... Do đó, điều quan trọng là rủi ro tài chính phải được nhận diện, xác định và quản trị thích hợp.
Nguồn: tapchitaichinh