Đâu là những đặc điểm của một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững? Qua nghiên cứu chúng tôi nhận diện dựa trên 2 góc độ để tìm ra các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững: Định tính và định lượng.
Nhân dịp đầu năm mới 2019, chúng tôi chia sẻ bài viết TÔI ĐẦU TƯ: Bí quyết lựa chọn doanh nghiệp có lợi thế bền vững của tác giả Đặng Trần Phục. Chúc quý nhà đầu tư năm mới KHÔNG BỊ MẤT TIỀN và kiếm được nhiều tiền nhờ bí quyết kiếm tiền mà nhà đầu tư Phục chia sẻ.
***
Một trong những nguyên tắc quan trọng giúp Warrant Buffet thành công khi đầu tư mà ông đặt ra là việc đầu tư vào các doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh bền vững và dài hạn. Trong cuốn sách bán rất chạy nhiều năm qua là Nguyên tắc số 1 của Phil Town cũng đề cập rất nhiều tới lợi thế cạnh tranh bởi ông coi đây là thành lũy để ngăn chặn sự xâm chiếm của các doanh nghiệp khác và tạo ra các hiệu quả vượt trội về kinh doanh cũng như đem lại cơ hội kiếm lợi nhuận dài hạn cho các nhà đầu tư sở hữu nó. Vậy đâu là những đặc điểm của một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững? Qua nghiên cứu chúng tôi nhận diện dựa trên 2 góc độ để tìm ra các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững: Định tính và định lượng.
A. Về định tính bao gồm:
1. Doanh nghiệp sở hữu các tài sản vô hình có giá trị: Các tài sản vô hình bao gồm Nhãn hiệu, bằng sáng chế, hoặc giấy phép của chính phủ, những thứ này đã in sâu vào tâm trí người dùng, khẳng định uy tín của doanh nghiệp và góp phần giảm bớt sự cạnh tranh từ các đối thủ đặc biệt là trong các ngành nghề mà rào cản gia nhập ngành được quy định khá chặt chẽ.
Ví dụ: StarBucks có thể bán giá cao hơn 25%-35% so với các đối thủ khác ở Việt Nam; Các sản phẩm bất động sản của Vinhomes có thể bán giá cao hơn 20%-30% so với các đối thủ và dễ dàng bán được khi đã có sự tin tưởng của người dùng so với các chủ đầu tư khác, những hãng thời trang uy tín hay những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng, hãng xe cao cấp vẫn luôn được người mua chào đón dù giá của chúng rất đắt đỏ v.v..;
2. Lợi thế về chi phí thấp: Những công ty có khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ với giá vốn thấp hơn có lợi thế lớn vì họ có thể giết chết đối thủ bằng giá bán. Mặt khác, họ có thể bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình tại mức giá tương đương đối thủ, nhưng đạt được biên lợi nhuận cao hơn. Lợi thế nhờ quy mô lớn là lợi thế về chi phí thấp tiêu biểu.
Ví dụ: HPG có quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại, khả năng triển khai dự án nhanh và tiết kiệm nên giá vốn thấp hơn của các đối thủ khác tại Việt Nam lên đến 12%, giai đoạn 2016-2018 biên lợi nhuận gộp của HPG là 20-24% trong khi đối thủ chỉ là 8-12%; VNM biên lợi nhuận gộp rất cao 45% so với dưới 25% của đối thủ nhờ vào chi phí sản xuất thấp khi hiện đại hóa công nghệ và quy mô sản xuất lớn; MWG có biên lợi nhuận cao hơn các đối thủ khác nhờ nhập hàng với số lượng lớn hơn hàng chục lần những đối thủ phía sau; Walmart cũng nhập hàng với số lượng rất lớn nên có giá vốn thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ khác ở Mỹ.
3. Rào cản chi phí chuyển đổi: Là những bất tiện, rủi ro lớn hoặc chi phí mà khách hàng phải bỏ ra 1 lần để thay đổi từ sản phẩm này sang sản phẩm khác. Khách hàng phải đối mặt với chi phí chuyển đổi cao thường không thay đổi nhà cung cấp trừ phi những nhà cung cấp mới mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho họ và lâu dài so với chi phí chuyển đổi đó.
Vi dụ: Trong lĩnh vực phần mềm, nếu chuyển đối khách hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn trong vận hành hệ thống của mình khi đang dùng các sản phẩm của: Oracle, Adobe, Microsoft …
4. Giá trị cộng hưởng: Điều này xảy ra khi giạ trị của một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể làm tăng lợi ích cho cả người dùng mới và người dùng hiện tại khi có nhiều người sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ đó, nhiều tiện ích trong hệ sinh thái của doanh nghiệp xây dựng được thường tạo ra một vòng tròn trực quan cho phép các doanh nghiệp ngày càng mạnh hơn.
Ví dụ: Mạng xã hội Facebook khi có nhiều người xử dụng hơn thì những người dùng sẽ được tương tác và kết nối nhiều hơn, giúp họ thỏa mãn hơn, mặt khác Facebook sẽ bán được nhiều quảng cáo hơn với giá cao hơn; YEG cũng tương tự vậy. Khi bạn mua nhà của VinGroup bạn sẽ có xu hướng sử dụng các dịch vụ khác của VinGroup như bệnh viện, trường học, khu thương mại, khu nghỉ dưỡng v.v…
5. Quy mô hiệu quả: xảy ra khi một ngành hoặc một thị trường mà ở đó giới hạn phải đạt được một quy mô nhất định mới có lợi nhuận và khi có một hoặc một vài doanh nghiệp đạt được rồi và chiếm lĩnh thị trường ở mặt vật lý thì không còn nhiều miếng bánh cho doanh nghiệp đến sau.
Ví dụ: Ngành cấp nước, khi các doanh nghiệp xây dựng xong hệ thống cấp nước cho người tiêu dùng thì sẽ không còn cơ hội cho người khác tham gia cùng khai thác về mặt địa lý với các KH hiện tại được (VAV, VCW, TDM, BWE); Ngành đường sắt khi các doanh nghiệp đi trước đã đầu tư xây dựng đường ray vận chuyển khách hàng và hàng hóa thì sẽ không có chỗ cho 1 doanh nghiệp khác làm một đường ray tương tự; hệ thống điện ở Việt nam cũng tương tự. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã xây dựng được các vị trí bán lẻ đắc địa, thuận lợi cho người dùng như PLX khiến cho các doanh nghiệp đi sau khó có cơ hội đe dọa vị thế của họ
B. Về định lượng bao gồm:
1. Biên lợi nhuận gộp: Được tính bằng (doanh thu – giá vốn hàng bán)/doanh thu, chỉ số này cao cho biết doanh nghiệp doanh nghiệp có một lợi thế cạnh tranh đặc biệt, bởi vì phần lớn doanh nghiệp chỉ có được biên lợi nhuận gộp cao khi có một hoặc hơn một đặc điểm sau: a. Có sức mạnh với khách hàng do đó bán được giá cao hơn đối thủ cạnh tranh; b. Có sức mạnh đàm phán với nhà cung cấp hoặc công nghệ hiện đại để đạt chi phí thấp hơn đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, có những doanh nghiệp làm được điều này mặc dù không có lợi thế cạnh tranh khi doanh nghiệp có quan hệ "sân sau" nhờ con đường chính trị hoặc may mắn mua được đầu vào giá thấp, các khu đất được bán giá rẻ v.v… trong giai đoạn nào đó nhưng rõ ràng đó không phải là lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ví dụ: Biên lợi nhuận gộp của VNM luôn ở mức 40%-50% cao hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh; HPG có biến lợi nhuận gộp thường cao hơn đối thủ khoảng 10%-12%; VCW có biên lợi nhuận khoảng 50%-55% cao hơn nhiều khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
2. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE):Lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp phải phát huy được tác dụng và chỉ thực sự làm giàu cho nhà đầu tư khi và chỉ khi thể hiện được hiệu quả sinh lời trên đồng vốn đầu tư hoặc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó đạt mức cao hơn thông thường. Qua nghiên cứu hàng trăm doanh nghiệp có lợi thế bền vững chúng tối nhận thấy rằng họ thường có ROI và ROE cao hơn tối thiểu gấp 3 lần lãi suất ngân hàng ở cùng thời kỳ đó, cá biệt có những doanh nghiệp suất xắc mà lợi suất lên đến 50%-70% duy trì trong nhiều năm.
Trên đây là các tiêu chí mà chúng tôi hướng dẫn để tìm kiếm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh và bền vững và chúng tôi mong muốn chia sẻ góc nhìn của mình tới các nhà đầu tư. Tất nhiên, khi các nhà đầu tư cùng nhìn ra các doanh nghiệp dạng này thì giá của chúng không còn rẻ nữa và hơn nữa việc tăng giảm trong ngắn hạn của giá cổ phiếu đôi khi không liên quan tới lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong dài hạn chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp dạng này là các "cổ phiếu vàng" và thường đem lại các tỷ suất sinh lời vượt trội cho các nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn như các case kinh điển trong nhiều năm qua của VNM; PNJ; MWG; HPG; FPT; VIC…..và chúng tôi thích câu nói của ngài Warrant Buffet "Sẽ là khôn ngoan hơn nhiều nếu mua được một công ty tuyệt vời với mức giá vừa phải, hơn là mua một công ty vừa phải với một mức giá tuyệt vời."
Nguồn: cafef