CÔ ĐƠN KHI KHỞI NGHIỆP

CÔ ĐƠN KHI KHỞI NGHIỆP

Người làm khởi nghiệp thường gặp phải sự cô đơn trên hành trình nhiều thách thức, gian truân và đầy thú vị.

Cô đơn đã có ở ngay trong việc lựa chọn, bởi xã hội có quan niệm phổ biến là tìm một công việc ổn định nên chọn khởi nghiệp là đã khác so với số đông. Cô đơn bởi người khởi nghiệp thường không nhận được sự ủng hộ từ chính gia đình, bạn bè và hay bị xem là “điên” vì làm những điều không giống ai, những điều mà chưa ai làm. Cô đơn bởi trên hành trình khởi nghiệp nhiều lần cộng sự và nhân sự không thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những người sáng lập. Cô đơn vì những mâu thuẫn nội bộ ngay chính trong những nhà sáng lập mà không giải quyết được ổn thỏa. Và vô vàng nỗi cô đơn khác. Do đó, ai không chịu được sự cô đơn và vượt qua sự cô đơn hãy đừng thử sức với con đường này, bởi khởi nghiệp sẽ khiến bạn trở nên cô đơn vô cùng và có thể gây stress nặng nề.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi khởi nghiệp thì bạn bè, gia đình đã hết lời can ngăn, bởi có sự khác nhau rất rõ ràng giữa công việc tôi đang làm có mức thu nhập, cơ hội thăng tiến rõ ràng khi làm cho một công ty danh tiếng và một thứ mơ hồ mà tôi chọn làm khởi nghiệp. Tôi gần như là tránh chia sẻ công việc khởi nghiệp với những người gần gũi nhất, tôi âm thầm và lặng lẽ tập trung làm việc, bởi tôi biết chính “sự yêu thương nhưng không đúng cách” từ người thân, bạn bè mà có nhiều điều tư duy tiêu cực và có thể khiến nhuệ khí bị giảm sút. Tôi toàn tâm toàn ý với sản phẩm/dịch vụ của công ty khởi nghiệp lần đầu tiên nhưng tôi đã thất bại, nguyên nhân lớn nhất là do chính nội bộ những người sáng lập khi lúc khó khăn có thể đồng cam cộng khổ nhưng khi có chút thành quả thì chia rẽ, vì lợi ích cá nhân. Và chẳng có nỗi cô đơn nào lớn hơn khi những anh em cùng khởi nghiệp “trở mặt nhau, đấu đá nhau”, đau đớn và cô đơn lắm. Và tôi đã chọn giải pháp rút lui khi mà những giá trị cơ bản đã bị phá vỡ, “gà cùng một mẹ lại đá nhau” chứ không phải là “khôn ngoan đá đáp người ngoài”. Khi thất bại bạn sẽ càng cảm thấy nỗi cô đơn lớn lắm, khi ấy nhiều người sẽ không còn tin bạn nữa kể cả khinh khi bạn đấy. Và văn hóa của Việt Nam lại xem thường sự thất bại và những người thất bại, bạn khởi nghiệp thất bại hoặc là bạn gục ngã hoặc là bạn cần tìm ra cho mình một động lực mạnh mẽ để tiếp tục đứng lên và làm lại.

Tôi tiếp tục khởi nghiệp lần hai, rồi lần ba, đến lần thứ tư, cả bốn lần đều đi đến kết cục phá sản. Có nhiều lúc nguồn ngân quỹ công ty thiếu trầm trọng và bao nhiêu chi phí cần chi trả như tiền thuê văn phòng, tiền lương, trả nhà cung cấp… thì người sáng lập công ty khởi nghiệp phải “cắt máu” tức dùng tiền riêng, tiền vay mượn để chi trả. Người sáng lập có thể ăn mì gói hàng tuần liền nhưng nhất định không để chậm trễ tiền lương nhân sự dù là một ngày, những lúc như vậy bạn phải “nuốt sự cô đơn” trong im lặng, nếu bạn không muốn tình hình khó khăn càng khó khăn hơn khi nhân viên bị lay động tinh thần. Nhân viên sẽ luôn thấy người sáng lập khởi nghiệp tươi cười vui vẻ nhưng ít ai thấu hiểu trong tâm can là “mấy tháng liền doanh số quá thấp với chỉ tiêu, thu chẳng đủ bù chi mà chưa tìm ra giải pháp hiệu quả”…

Vậy đấy, bạn làm khởi nghiệp bạn sẽ cô đơn trong suốt cuộc hành trình và quan trọng là bạn cần vượt qua nó nếu muốn đi đến thành công.

Tôi lại tiếp tục khởi nghiệp lần thứ năm với công ty hiện tại, lần này mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn bởi đó là kinh nghiệm của 4 lần trước đã “khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn”. Sự cô đơn vẫn sẽ có nhưng lần này với tôi “cô đơn” chỉ là một vấn đề nhỏ chứ không còn đau đớn như những lần trước, tôi có phương pháp để vượt qua như bao nhiêu vấn đề cần giải quyết vậy, đó là:

- Cần phải hiểu chính mình, tôi thường đặt câu hỏi cho nội tâm như mục đích sống của tôi là gì, ý nghĩa của công việc khởi nghiệp này là gì, tại sao khởi nghiệp ở lĩnh vực này…

- Khi hiểu được chính mình thì tôi sẽ là người tự động viên, tự tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho bản thân với mỗi khó khăn, mỗi sự cô đơn.

- Tôi cố gắng tìm kiếm những người cùng hệ giá trị để cộng tác làm đồng sáng lập, để trở thành nhân sự của công ty.

- Tôi luôn suy nghĩ cách cho đi ngày càng nhiều hơn, tạo giá trị đến cộng đồng ngày càng lớn hơn. Khi bạn cho đi thật lòng bạn sẽ nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống, đó là liều thuốc hiệu quả để chữa chứng “cô đơn” đấy.

- Tôi kết nối và tham dự vào các tổ chức, hiệp hội tử tế, tương đồng với giá trị sống, tôi hết lòng phụng sự tổ chức. Và chính nơi đây, tôi được học hỏi và chia sẻ từ những người khởi nghiệp, người làm kinh doanh chân chính, điều đó giúp tất cả vượt qua sự cô đơn trên con đường kinh doanh.

- Và tôi xem “cô đơn” là trải nghiệm trên suốt hành trình như bao việc khác vậy.

- .v.v...

Thế đấy, làm khởi nghiệp là lựa chọn phiêu lưu, đầy mạo hiểm cũng như vô cùng cô đơn. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó!?

Nguồn: Cao Trung Hiếu

About Author

Nhi
Nhi

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com