Học thầy không tày học bạn, phải biết rằng, 85% sự thành công của một chuyên gia phụ thuộc vào đẳng cấp của những mối quan hệ mà họ kết giao.
Thời điểm Tết đến Xuân về luôn là giai đoạn thích hợp nhất để mọi người cùng thư giãn, trò chuyện và đi chúc Tết lẫn nhau. Đây cũng là thời điểm để người ta xây dựng, củng cố những mối quan hệ mà cả năm bận rộn chưa kịp quan tâm lẫn nhau.
Ông vua thép của Mỹ Andrew Carnegie từng nói rằng: “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”. Do đó, tầm quan trọng của các mối quan hệ, đặc biệt là với những người thành công, giỏi giang và đáng để học tập, là không thể thiếu trong sự phát triển của mỗi một cá nhân.
Chúng ta đều biết rằng, xây dựng một mối quan hệ không hề dễ dàng. Chỉ quen biết tên tuổi, mặt mũi của nhau, có trao đổi thông tin liên lạc trên Facebook, vẫn khó có thể nhìn nhận đây là một mối quan hệ thực sự. Kỳ thực, mối quan hệ phải là một người sẵn sàng có mặt bên cạnh chúng ta sau một cuộc điện thoại, luôn dành cho ta sự tin tưởng hết lòng, nghĩ đến chúng ta khi họ có bất cứ cơ hội nào, quan trọng là, nghĩ đến chúng ta khi họ đi đến ngõ cụt của cuộc sống và ngược lại.
Do đó, việc kết giao thân thiết trong một mối quan hệ chính là quá trình chúng ta biến một người lạ thành quen, từ người quen thành bạn, từ người bạn thông thường thành thân thiết, luôn chia sẻ, cạnh bên, tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Có rất nhiều người khi mới gặp, chúng ta cảm thấy không thể thân thiết và tiếp cận được, nhưng trải qua một thời gian tiếp xúc mới nhận ra điều khác hẳn. Họ không chỉ có thể trở thành tri kỷ, bạn hiền, mà còn là người thầy hướng dẫn nghiêm khắc nhưng hết lòng, giúp chúng ta thu hoạch được nhiều bài học quý. Nhân sinh trên đời, thu hoạch được càng nhiều quý nhân như vậy, chúng ta mới càng có thể không ngừng tiến bộ và vươn xa hơn trên con đường phát triển.
Chẳng phải tự nhiên mà người xưa đã có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Do đó, nếu có cơ hội gặp gỡ những người này, hãy trân trọng cơ hội và cố gắng kết giao thân thiết với họ, để không ngừng học hỏi từ họ trong quá trình tiếp xúc.
1. Là người có thể đảm nhận vai trò người thầy dẫn đường cho cuộc sống
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tất cả chúng ta đều có ít nhiều lần bối rối, mê mang, có những thời điểm không thể không biệt đúng sai thị phi rõ rệt. Lúc này, rất cần có một người đi tới bên cạnh và nói cho chúng ta biết rằng: Con đường nào cũng do người đi mà thành, suy nghĩ không thể thay đổi được kết quả. Có đôi khi, nghĩ càng nhiều, người ta lại càng mất đi động lực để tiến bước về phía trước.
Chúng ta đôi khi giống như một người lạc đường giữa trong sa mạc, cần tìm nguồn nước nhưng lại không biết đó là đâu, chỉ có thể đi mãi mà không có mục tiêu. Bởi vì nếu không tiếp tục đi, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội sống sót.
Do đó, những người có thể sẵn lòng dẫn dắt, chỉ bảo cho chúng ta trên đường đời, đồng hành và dẫn lối tư duy cho chúng ta vào thời điểm mê mang nhất cũng giống như một vị cứu tinh chỉ lối cho ta tìm đến nguồn nước giữa sa mạc mênh mông. Đây là kiểu người rất đáng để kết giao thân thiết. Từ mối quan hệ với họ, ta còn có thể thu hoạch được rất nhiều lợi ích.
2. Là người vẫn luôn bên cạnh dù chúng ta giàu có hay nghèo khó
Trong đời thường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều trường hợp “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Khi ta giàu có, rất nhiều họ hàng, người thân, thậm chí là bạn bè xã giao không hề thân thiết cũng tới bám víu quan hệ, tìm cách nhờ vả hưởng lợi. Nhưng một khi chúng ta rơi vào cảnh khó khăn điêu đứng, tất cả sẽ bắt đầu xa lánh, thậm chí là cắt đứt liên hệ ngay lập tức, chỉ sợ bản thân chịu thiệt thòi.
Thế nên mới có câu danh ngôn của C. Bôvi: “Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.”
Hãy nhớ rằng, những người xứng đáng để kết giao nhất bao giờ cũng là người đến với ta trong những phút cay đắng, khó khăn nhất của cuộc đời.
3. Những người dám đứng ra giúp đỡ trong lúc nguy nan
Cuộc sống có rất nhiều thời điểm nguy nan, khiến người ta không kịp trở tay, ví dụ như trong nhà có người bệnh nặng cần cứu chữa cấp bách, hoặc phát sinh nhu cầu dùng một khoản tiền lớn khẩn cấp. Thông thường, ở vào tình huống này, có không ít người thẳng thừng từ chối trợ giúp chúng ta, dù là bạn bè hay thân thích quan hệ tốt đến mấy. Ngược lại, cũng có những người quan hệ vốn hời hợt, nhưng sẵn lòng ủng hộ chúng ta trong âm thầm.
Khi đó, cho dù sự giúp đỡ của họ có giúp ta thoát khỏi khốn cảnh hay không, đó cũng là quá đủ rồi. Chỉ có những mối quan hệ không xây dựng dựa trên sự toan tính, ích kỷ và sẵn lòng đối xử chân thành với nhau mới xứng đáng để được vun vén bằng cả tấm lòng.
4. Là người sẵn lòng trách mắng ta nhất khi bước sai đường, rẽ nhầm lối
Một người bạn tốt luôn là người biết khi nào phải lắng nghe, khi nào nên cho ý kiến và khi nào cần chia sẻ. Họ sẽ không chỉ coi bạn là một thùng rác chuyên dụng để trút hết bực tức trong người, xả ra những ảnh hưởng tiêu cực, chăm chăm nói cho bạn nghe nhiều hơn là lắng nghe những gì bạn nói.
Hãy kết giao với một người chịu bỏ thời gian để nghiêm khắc trách mắng mình vì khi đó, họ thật lòng muốn giúp chúng ta thay đổi, sửa chữa lại những vấn đề còn chưa hợp lý. Con người không có ai là hoàn hảo, luôn có những lúc mắc phải sai lầm. Vì thế, việc thu hoạch được một người bạn thật lòng sẵn sàng chỉ ra những lỗi sai ấy cho chúng ta ở thời điểm đấy, nghiêm khắc trách mắng để ta hiểu ra tính nghiêm trọng của vấn đề, mới chính là người thực sự mong muốn ta phát triển tốt hơn. Sự khắt khe, khó tính của họ sẽ trở thành động lực buộc bạn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để đi xa hơn những gì bạn có thể.
Theo Trí thức trẻ