Vậy nhưng Việt Nam vẫn đề cập đến 4.0 rất nhiều, bởi nếu không nói, cơ hội tham gia sẽ lại qua đi giống như những cuộc cách mạng trước, doanh nhân này nhận định.
Hai năm gần đây, cụm từ Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến thường xuyên tại Việt Nam. Đi kèm với đó là những thuật ngữ chuyên môn như Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, blockchain,…
Tuy nhiên giải thích một cách đơn giản, Tiến sĩ Trần Mạnh Huy, Giám đốc công ty VBPO cho biết: "Cách mạng công nghiệp 4.0 cơ bản là cuộc cách mạng dựa trên dữ liệu, là cuộc cách mạng dùng dữ liệu làm nền tảng để điều hướng tất cả các công việc sản xuất và kinh doanh của xã hội".Nếu chiếu theo khái niệm này thì thực tế, tại Việt Nam, chuyện ứng dụng 4.0 vẫn còn khá xa vời với nhiều doanh nghiệp, thậm chí "chuyện ứng dụng 3.0 và 2.0, đôi lúc các doanh nghiệp còn chưa làm được nữa".
Trần Mạnh Huy đang hướng dẫn công việc cho nhân viên (là người khuyết tật) trong công ty của mình. Ảnh: VOV
Anh Huy kể rằng ở Đà Nẵng, anh đã từng trình bày trước các doanh nghiệp nơi đây về cách mạng 4.0 và được nhiều doanh nghiệp mời đến giúp đỡ. Mục đích của họ là muốn dùng khoa học dữ liệu để giúp các nhà máy sản xuất nâng năng suất lên ít nhất 5 lần.
Trước đề nghị này, anh Huy có thành lập một nhóm các chuyên gia về sản xuất đến từ Nhật Bản và Đức, những người quen trong quá trình học tập trước đây, để đến tận nơi khảo sát. Khi được dẫn đến một nhà máy có năng suất khoảng 8 triệu USD/năm, sau quá trình tiến hành làm việc, họp hành, các chuyên gia này đưa ra nhận định khá bất ngờ."Họ nói họ không biết 4.0 là gì; những gì chúng ta biết thì họ đã làm cách đây 12 năm, nghĩa là những gì chúng ta cho là 4.0 thì họ làm 12 năm trước rồi".
"Ở Nhật Bản, ở Đức không có khái niệm 4.0, có công nghệ mới là họ làm luôn; nghĩa là sự ứng dụng công nghệ mới của họ diễn ra liện tục trong khi ở Việt Nam thì như nấc thang, nhảy cóc từng bước", vị tiến sĩ nhận định.
Trên thực tế, những gì tiến sĩ Huy trình bày có nội dung tương đồng với một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) có tên gọi mang tên "Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai".
Theo báo cáo này, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước chưa có sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 khi đứng thứ 90/100 về Công nghệ và Đổi mới (Technology & Innovation); xếp thứ 92/100 về Công nghệ nền tảng (Technology Platform); xếp thứ 77/100 về Năng lực sáng tạo; xếp hạng 70/100 về Nguồn lực con người. Tổng điềm sẵn sàng của Việt Nam mới chỉ ở mức 4,9/10.
"Chuyện ứng dụng 2.0, 3.0 nhiều doanh nghiệp còn chưa làm được vậy thì tại sao nước mình lại nói nhiều đến 4.0 như vậy?", tiến sĩ đặt câu hỏi. "Bởi vì chúng ta chẳng còn cơ hội nào hết, Việt Nam đã bỏ lỡ cuộc cách mạng 3.0 rồi, đến giờ nếu tiếp tục bỏ lỡ 4.0 thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ bị bỏ lại rất xa. Chính phủ đề cập nhiều đến 4.0 vì muốn chúng ta nắm lấy cơ hội, còn không nói, xem như thờ ơ thì cơ hội sẽ qua đi"
"Tôi thấy Việt Nam mình có một năng lực rất lớn là năng lực bỏ qua cơ hội, nên nhà nước phải nói rất nhiều về 4.0 thôi", anh Huy hài hước nhận định.
Anh Trần Mạnh Huy sinh ra tại Đăk Lăk, bị dị tật bẩm sinh liệt nửa người từ lúc chào đời. Nhờ nỗ lực của bản thân, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Huy thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TP HCM, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Vì sức khỏe yếu, bố mẹ anh phải đến trường viết giấy cam kết để anh được theo học.
Tốt nghiệp Đại học, Trần Mạnh Huy xin giảng dạy tại một trường Đại học ở TP HCM. Đầu năm 2006, Trần Mạnh Huy về Đà Nẵng và thành lập Công ty riêng chuyên về nhập dữ liệu, xử lý hình ảnh, thiết kế web, các dịch vụ về kế toán... lấy tên là Công ty CP dịch vụ gia công thuê ngoài (V.B.P.O Đà Nẵng), phục vụ chủ yếu cho đối tác Nhật Bản.Công ty của Trần Mạnh Huy đang tạo việc làm cho hơn 300 nhân viên, chủ yếu là người khuyết tật, người nghèo. Mức lương trung bình của nhân viên ở công ty này từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: cafebiz