Trong chuyến đi Global Entrepreneur Summit 2013, mình rất ngưỡng mộ các em bé 12, 13 tuổi đứng lên phát biểu và các em ấy đều có dự án kinh doanh của riêng mình.
Bản thân mình nghĩ rằng làm kinh doanh không quan trọng độ tuổi. Chỉ cần ta thích thì "cứ làm tới đi", không có sớm hay muộn trong chuyện này. Nếu kinh doanh sớm mà thất bại thì cũng chẳng sao. Như vậy sẽ giúp ta học được những bài học đáng giá cho thành công mai sau.
Hồi mình còn nhỏ, mình không biết kinh doanh là cái gì nhưng chính những trò chơi tuổi thơ đã dạy cho mình những bài học kinh tế đầu đời. Năm mình 10 tuổi, như bao đứa trẻ khác, mình say mê những trò chơi bán hàng rong, nhà chồi...trò gì cũng chơi. Rồi có một lúc, bà lão hàng xóm bày cho tụi mình (mình và co-founder đầu tiên trong cuộc đời) cách làm lồng chim cho hạt giấy từ ống hút và chân nhang. Mình thấy sản phẩm này hay quá nên đã cùng co-founder "đầu tư vốn" đến "10.000 đồng" để mua giấy xếp, và nguyên liệu. Từ sản phẩm được dạy, tụi mình đã sáng tạo trang trí thêm để chiếc lồng lung linh hơn và bán với giá 500đ 2 chiếc. Nếu mua một chiếc khách hàng phải trả 300đ. Thời đó 200đ mua được một bịt yaua. Tụi mình làm ăn cũng "khấm khá" lắm nhưng bán hết số vốn 10.000 đ là nghỉ luôn vì thị trường chỉ có mỗi xóm mình.
Và khi mình lớn lên một chút, năm mình học lớp 6, mình được mẹ mua cho máy chơi điện tử đầu tiên - loại chơi bằng băng với các trò như Contra, Mario... Mình mê chơi điện tử và chơi rất giỏi. Mình say mê trò chơi đến độ năm mình học lớp 5, đội bóng đá trường mình đạt giải nhất nhưng chỉ vì mê chơi điện tử với bạn thủ môn mà mình quên đi nhận giải cùng cả đội. Người ta thường nói rằng hãy kinh doanh những gì bạn đam mê và lúc đấy mình đã làm thế. Mặc dù chỉ có một máy di nhất nhưng hè năm ấy mình đã kinh doanh máy chơi điện tử của mình cho bọn trẻ hàng xóm rất thành công. Đối thủ của mình là cửa hàng trò chơi điện tử bằng đĩa (xịn hơn, nhiều game hơn) cách nhà mình 20m.
Thế nhưng "key point to success" của mình là dịch vụ giá rẻ, thân thiện, tư vấn game và đặc biệt là chơi giùm những cảnh khó. Mình không kinh doanh với mục đích kiếm tiền thế nên lúc ấy chỉ cần có khách 5 tiếng/ ngày là mình đã hài lòng. Và rồi, thời gian trôi nhanh, hè năm lớp 7 mình lại tiếp tục kinh doanh. Lần này, rút kinh nghiệm hơn, mình mở thêm bán bánh cho các bé hàng xóm. Thay đổi này góp phần làm tăng số giờ khách ở lại chơi điện tử và tăng doanh thu cho mình. Nhưng đáng buồn, đây cũng là năm cuối cùng mình kinh doanh. Mình học được 3 bài học sau lần kinh doanh trò chơi điện tử:
1. Thị trường phải đủ lớn: mình không biết tìm kiếm thị trường mà chỉ trông cậy vào thị trường là những đứa trẻ hàng xóm. Những đứa trẻ dần lớn lên và thói quen, sở thích cũng thay đổi làm số khách hàng mình giảm đi.
2. Vốn phải được giữ lại để tái đầu tư: thời đó mình không kinh doanh vì tiền nhưng có tiền mình lại tiêu đi. Lúc kinh doanh bánh mình lại ăn bánh của chính mình nên không có vốn để mở rộng qui mô kinh doanh.
3. Phải có tầm nhìn: mình kinh doanh chơi, nên không hoàn toàn nghiêm túc và có kế hoạch gì hết. Nếu nghỉ mình sẽ dễ dàng đổ tội tại cái này, cái kia nên việc kinh doanh của mình bị ngừng lại chỉ sau 2 mùa hè.Đó là những câu chuyện về cái thời tuổi thơ dữ dội của mình. Mình cũng biết rất nhiều những câu chuyện khác khi mà người ta xuất thân từ IT chuyển sang kinh doanh, đầu tóc bạc muối tiêu mới bắt đầu khởi nghiệp...Cho nên mới nói "Đường nào cũng tới la mã". Kinh doanh cũng vậy, chỉ cần có máu ấy trong người thì dù làm gì, học gì rồi ta cũng sẽ trở về làm kinh doanh. Hãy kinh doanh ngay đi khi trái tim ta mách bảo nhé!
Nguồn: Internet