HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP - Phần 1: Phân tích các khoản mục

HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP - Phần 1: Phân tích các khoản mục

Trên thực tế, có nhiều cách đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Tuy nhiên để đơn giản hoá cho quá trình phân tích, chúng ta sử dụng 4 kiểu phân tích được lựa chọn dưới đây:

- Phân tích các khoản mục

- Phân tích chỉ số

- Phân tích dòng tiền

- Phân tích xu hướng

Mỗi kiểu phân tích không đứng độc lập lẫn nhau mà mỗi cái đều hỗ trợ, bổ sung làm rõ cho cái khác. Mỗi con số, kết quả trong quá trình phân tích đều là kết quả từ mỗi hoạt động kinh doanh tại một thời gian, không gian cụ thể, bị những yếu tố bên ngoài tác động nên trước khi sử dụng các phương pháp phân tích, cần xem xét các yếu tố dưới đây để loại trừ những ảnh hưởng gây méo mó:

- Những thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh: đầu tư, sáp nhập, chia tách….

- Những khoản mục không thường xuyên, không định kỳ

- Thay đổi trong chính sách kế toán

- Những thay đổi bất thường khác

I. PHÂN TÍCH CÁC KHOẢN MỤC

Trong bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có rất nhiều các khoản mục, tuy nhiên chỉ tập trung phân tích một số khoản mục chính sau:

1. Phân tích các khoản phải thu:

Các khoản phải thu thực chất là đồng vốn mà doanh nghiệp bị đối tác (có thể là khách hàng hoặc nhà cung cấp) chiếm dụng, vì thế về nguyên tắc quy mô các khoản phải thu sẽ càng nhỏ càng tốt.

Quy mô tính chất các khoản phải thu phụ thuộc vào mỗi loại hình kinh doanh khác nhau (ví dụ kinh doanh bán lẻ phải thu sẽ thấp, bán buôn phải thu cao hơn….), phụ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, chính sách bán hàng của họ trong từng thời kỳ (tăng trưởng để chiếm thị phần hay duy trì thị phần đảm bảo hoạt động ổn định an toàn).

Thông thường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng mở rộng, quy mô các khoản phải thu càng tăng lên và ngược lại. Để xem xét tương quan giữa 2 chỉ tiêu này chúng ta dùng tỷ số vòng quay các khoản phải thu. Nếu quy mô các khoản phải thu tăng lên nhưng vòng quay các khoản phải thu vẫn như cũ hoặc tăng lên thì số ngày phải thu sẽ giảm xuống chứng tỏ tình hình quản lý công nợ tốt, sản phẩm được tiêu thu dễ dàng hơn.

Ngược lại nếu doanh nghiệp có quy mô các khoản phải thu tăng trong khi doanh thu, quy mô kinh doanh không tăng, thì như vậy tình hình kinh doanh của khách hàng có nhiều biến đổi hoặc có những thay đổi trong chính sách bán hàng. Trong trường hợp này cần làm việc với doanh nghiệp để xác định bản chất các khoản công nợ này, nguyên nhân và cách khắc phục:

- Vòng đời của sản phẩm đã đến thời kỳ bão hoà, suy thoái?

- Tình hình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường có trôi chảy như thường lệ không, hay xuất hiện dấu hiệu giảm sút, suy thoái làm ảnh hưởng đến ký hạn thanh toán của khách hàng. Thời gian thu tiền binh quân của phần lớn khách hàng giảm thể hiện rõ rệt về sự sút giảm doanh thu của doanh nghiệp. Sản phẩm đang tiêu thụ khó khăn do nhu cầu suy giảm hoặc xuất hiện cạnh tranh từ những sản phẩm mới, đối thủ cạnh tranh mới. Vì thế cần phải đánh giá lại tình hình thị trường chung về sản phẩm, những khách hàng có sản phẩm cùng loại khác, dự đoán thị trường và tìm hiểu, đánh giá các biện pháp khắc phục giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp, dự báo khả năng thành công và các biện pháp khắc phục rủi ro của ngân hàng nếu tình hình xấu xảy ra.

- Xuất hiện các khoản công nợ lớn, kéo dài, tập trung tại một vài khách hàng, tìm hiểu lý do: do khách hàng cố tình dây dưa không thanh toán hay khách hàng gặp khó khăn tài chính chưa thể thanh toán. Tìm hiểu các biện pháp xử lý của khách hàng vay vốn về các khoản công nợ này, khả năng thu hồi các khoản công nợ, ảnh hưởng của việc không thu hồi được các khoản công nợ này đến tài chính của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp có những thay đổi trong chính sách bán hàng nhằm lôi kéo kích thích tiêu thụ sản phẩm như chấp nhận kéo dài thời hạn thanh toán cho khách hàng.

Lưu ý: Nếu số vòng quay quá cao thể hiện phương thức bán hàng cứng nhắc, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt ngay chưa chắc đã tốt vì ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và mở rộng thị phần của công ty.

Để phân tích các vấn đề trên, cán bộ đề nghị cung cấp các số liệu, thông tin sau:

- Chính sách bán hàng, mạng lưới phân phối

- Cơ cấu các khoản phải thu

- Danh sách khách hàng nợ chính

- Doanh số phát sinh nợ

-có tài khoản phải thu khách hàng

- Chi tiết doanh số phát sinh nợ

- có phải thu khách hàng lớn

- Tuổi nợ các khoản phải thu (nếu là nợ gối đầu sẽ khó xác định)

- Các khoản nợ quá hạn, thời gian quá hạn, lý do quá hạn, xử lý của doanh nghiệp (trích DPRR, khởi kiện ….)

- Danh sách các người bán trả tiền trước, chi tiết doanh số phát sinh nợ - có người bán trả trước.

- Các hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và người bán, xác định ràng buộc trách nhiệm của người mua - người bán về các khoản trả trước.

2. Phân tích hàng tồn kho:

Cũng như các khoản phải thu, các chỉ tiêu về hàng tồn kho là dấu hiệu cảnh báo sớm về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi phân tích chỉ tiêu hàng tồn kho cần chú ý đến:

- Yếu tố mùa vụ trong hoạt động kinh doanh. Trong kinh doanh có những thời điểm doanh nghiệp phải chuẩn bị số lượng lớn hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu sắp tới như doanh nghiệp tập trung nguồn thực phẩm để bán trước tết, doanh nghiệp sản xuất quạt, điều hoà bán cho mùa hè, doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất dụng cụ học tập bán cho học sinh nhập học…..

- Khả năng ẩn dấu kết quả kinh doanh kém vào hàng tồn kho: Hàng tồn kho kém phẩm chất, lỗi thời không tiêu thụ được…

- Chu kỳ kinh doanh của ngành nghề, sản phẩm….

Số vòng quay hàng tồn kho lớn, thời gian tồn kho ngắn không chỉ thể hiện doanh nghiệp đang tăng hiệu quả sử dụng vốn mà còn cho thấy tình hình thị trường, tiêu thụ sản phẩm của công ty đang thuận lợi.

Tuy nhiên nếu vòng quay quá cao so với mức bình quân của ngành cũng như trong thời gian hoạt động vừa qua của công ty, thì cần xem xét lại khâu cung cấp, dự trữ NVL, thành phẩm dự trữ để đảm bảo luôn trữ đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cung như nhu cầu nhập hàng của bạn hàng, đặc biệt với các khách hàng xuất khẩu, các công ty thực hiên đơn hàng gia công với nước ngoài.

Nếu lượng hàng tồn kho lớn, vòng quay hàng tồn kho giảm, thời gian luân chuyển kéo dài thì cần kết hợp với các yếu tố, chỉ tiêu khác để có kết luận về tình hình dự trữ hàng tồn kho của công ty:

- Xem xét tính mùa vụ trong kinh doanh

- Các nhóm sản phẩm, vật liệu tồn kho đang tăng

- Doanh thu bán loại hàng đang có xu hướng tồn kho lớn

- Tình hình cung ứng, tiêu thụ, giá cả của mặt hàng đó trên thị trường, các đối thủ cạnh tranh, giá cả, chất lượng sản phẩm thay thế, thị hiếu tiêu dùng

- Chính sách tồn kho: Do giá cả đang có xu hướng tăng nên doanh nghiệp tích trữ hàng, chuyển từ phương thức kinh doanh bán sang tay sang đầu cơ tích trữ

- Do hoạt động kinh doanh được mở rộng- Do chuyển đổi từ kinh doanh sang sản xuất

- Do thay đổi công nghệ sản xuất

Cán bộ đề nghị cung cấp các số liệu, thông tin sau:

- Cơ cấu hàng tồn kho: NVL, công cụ/dụng cụ, hàng hoá thành phẩm theo số lượng, giá trị

- Doanh số nhập

- xuất hàng tồn kho, chi tiết phát sinh nợ

- có từng loại hàng tồn kho lớn theo giá trị, số lượng: phát sinh nợ tồn kho NVL phản ánh chính sách duy trì tồn kho, phát sinh có tồn kho NVL phản ánh khả năng sản xuất, phát sinh có tồn kho thành phẩm phản ánh khả năng tiêu thụ hàng

- Phần mềm theo dõi hàng tồn kho, cách thức quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp, chính sách duy trì hàng tồn kho

- Điều kiên kho bãi, chất lượng hàng tồn kho3. Phân tích Tài sản cố định và đầu tư dài hạn

Xem xét cơ cấu tài sản cố định: MMTB, đất đai … , TSCĐ đầu tư dở dang, các khoản đầu tư dài hạn.

Xem xét tỷ lệ tài sản cố định /tổng tài sản có phù hợp với loại hình kinh doanh, quy mô hoạt động…

Xem xét chất lượng của TSCĐ, công suất huy động, tính chất TSCĐ (BĐS, MMTB…)

Phân tích TSCĐ theo tính chất nguồn vốn hình thành TSCĐ: TSCĐ hình thành từ vốn tự có và TSCĐ hình thành từ vốn vay.

Xem xét hiệu quả các khoản đầu tư dài hạn, ảnh hưởng của việc đầu tư dài hạn đối với hoạt động của công ty

TSCĐ đầu tư dở dang có phù hợp với tiến độ đầu tư của doanh nghiệp không, nguồn vốn thực hiện đầu tư TSCĐ có sẵn sàng chưa….

Xem xét lý do tăng/giảm TSCĐ (do mở rộng sản xuất, do chuyển từ kinh doanh TM sang sản xuất ….), việc tăng/giảm TSCĐ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như thế nào?

Phân tích nợ phải trả

Đối ngược với phải tối thiểu hoá kỳ tồn kho và kỳ thu nợ bình quân, doanh nghiệp thường cố gắng kéo dài kỳ trả nợ càng lớn càng tốt mà vẫn duy trì uy tín đối với nhà cung cấp.

Việc gia tăng vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp hoặc bên mua ứng trước sẽ giảm bớt áp lực chi phí và đi vay từ ngân hàng. Tuy nhiên cũng giống như đối với hàng tồn kho và các khoản phải thu, về cơ bản việc tăng quá mức các khoản phải trả và kéo dài kỳ hạn của các khoản phải trả cũng là dấu hiệu xấu về khả năng chi trả, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tăng thời gian thanh toán công nợ, tăng phải trả, giảm vòng quay phải trả cũng có thể tốt nếu doanh nghiệp kinh doanh uy tín được bạn hàng cho phép trả chậm, doanh nghiệp độc quyền, là đấu mối thu gom hàng nên có thể chủ động trong thanh toán với người bán, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh…. Ngược lại việc giảm thời gian thanh toán công nợ, giảm phải trả, tăng vòng quay phải trả có thể kà dấu hiệu không tốt do doanh nghiệp không uy tín, bạn hàng không cho nợ mua phải trả tiền ngay, do doanh nghiệp bị phụ thuộc vào nguồn đầu vào, đầu vào khan hiếm bắt buộc phải trả tiền ngay mới mua được hàng và như vậy doanh nghiệp không chủ động trong kinh doanh được, do kinh doanh không tốt, không bán được hàng phải thu hẹp hoạt động ….

Theo thông lệ chung, kỳ hạn thanh toán một hợp đồng mua bán hàng từ 30-60 ngày. Nếu qua tính toán, kỳ hạn thanh toán của doanh nghiệp kéo dài thì cán bộ cần thu thập thêm thông tin để xác định lý do thực chất trong việc doanh nghiệp kéo dài thời hạn thanh toán và việc kéo dài thời hạn thanh toán đó sẽ gây tổn thất gì đến uy tín của doanh nghiệp. Và nếu thời hạn thanh toán được rút ngắn thì bản chất của việc rút ngắn đó là gi. Các số liệu, thông tin cần thu thập:

- Cơ cấu các khoản phải trả: phải trả người bán/ người mua trả tiền trước/phải trả khác …

- Chính sách mua hàng thời gian vừa qua, sắp tới có sự thay đổi về chính sách mua hàng không, lý do thay đổi (do giá đang có xu hướng tăng, hàng khan hiếm doanh nghiệp phải mua hàng trả tiền ngay, do giá giảm cung hàng đang tăng nên doanh nghiệp được cho trả chậm để kích cầu ….)

- Danh sách các người mua hàng doanh nghiệp đang nợ

- Doanh số phát sinh nợ

- có phải trả người bán

- Sao kê chi tiết tài khoản phải trả người bán của các khoản phải trả lớn, người bán truyền thống

- Tuổi nợ các khoản phải trả (một số khoản phải trả lớn, nếu là phải trả gối đầu thì khó xác định)

- Liên hệ với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

- Liên hệ với các thông tin phi tài chính: thị trường đầu vào, khả năng cạnh tranh, mối quan hệ với các nhà cung cấp, triển vọng phát triển trong tương lai, thanh toán các khoản nợ với nhà cung cấp và với ngân hàng ….

- Đối với các khoản người mua trả tiền trước, liệt kê chi tiết các khoản người mua đã trả tiền, giá trị, hợp đồng tương ứng, tương ứng với các khoản phải thu khách hàng. Các khoản người mua trả tiền trước là một bằng chứng xác định khả năng thu hồi các khoản phải thu khách hàng.

4. Phân tích vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là một số liệu quan trọng phản ảnh khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ, vốn góp kinh doanh, lợi nhuận giữ lại, các quỹ và vốn góp khác.

Để xác định thực chất vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, cần xác định các vấn đề sau:

- Vốn điều lệ công ty đã góp, hình thức góp (TM hay TSCĐ…)

- Tra cứu thông tin CIC của các thành viên góp vốn, các thông tin vay nợ cá nhân của các thành viên

- Bản chất của các phần góp vốn kinh doanh, vốn khác

- Lợi nhuận giữ lại so với lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh có hợp lý không

- Các quỹ có được sử dụng lâu dài không. Nếu không sử dụng lâu dài hoăc không được sử dụng cho hoạt động kinh doanh thì ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp

- Thực chất vốn chủ sở hữu tham gia là bao nhiều (đối chiếu với bản chất các khoản nợ trong nợ phải trả)

- Kế hoạch tăng vốn trong tương lai

5. Phân tích cân đối tài chính của doanh nghiệp

Việc mất cân đối tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, tuy nhiên vấn đề này rất hay xảy ra đặc biệt với các công ty lớn, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản. Cân đối tài chính của doanh nghiệp thể hiện qua công thức:

VCSH + nợ dài hạn – TSCĐ ≥0: Không mất cân đối tài chính

VCSH + nợ dài hạn – TSCĐ < 0: Mất cân đối tài chính

Đối với công ty bị mất cân đối tài chính, cần phải làm rõ các vấn đề sau:

- Lý do mất cân đối tài chính: Công ty có khoản nợ dài hạn đến hạn trả hạch toán vào phần nợ ngắn hạn; Công ty có khoản nợ hạch toán ngắn hạn nhưng thực chất có thể sử dụng dài hạn; Công ty đầu tư dàn trải, dự trù vốn không tốt, quản lý dự án không tốt nên vốn đầu tư vậơt quá dự kiến phải sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư ….

- Nguồn vốn ngắn hạn Công ty sử dụng để đầu tư tài sản là nguồn vốn gì: nếu vay ngân hàng thì đây là dấu hiệu Công ty sử dụng vốn sai mục đích. Nếu nguồn phải trả thì cụ thể chiếm dụng của đối tác nào, khi nào sẽ phải trả nguồn vốn đó.

- Công ty xử lý khoản mất cân đối đó như thế nào. Biện pháp xử lý của Công ty có hợp lý không, khi nào sẽ xử lý xong

6. Phân tích doanh thu, chi phí, lợi nhuậnCác số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận phản ánh hiệu quả hoạt động của Công ty. Các vấn đề cần thiết khi phân tích báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

- Cơ cấu doanh thu

- Tăng/giảm doanh thu: Nếu giảm phân tích lý do giảm. Nếu tăng đột biến phân tích lý do tăng đột biến và bản chất của việc tăng này

- Tăng/giảm giá vốn; tăng/giảm tỷ lệ giá vốn/doanh thu. Lý do tăng/giảm

- Phân tích hoạt động thực tế của doanh nghiệp so với số liệu phản ánh trên báo cáo thuế.

Lợi nhuận là mục tiêu tối thượng của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, là chỉ tiêu được đánh giá là trọng yếu nhất trong mọi hoạt động phân tích tài chính. Cũng chính vì lẽ đó, lợi nhuận cũng là đối tượng để các nhà kế toán, quản trị tài chính của doanh nghiệp có những kế hoạch, chính sách đặc biệt để có những số liệu khác nhau tuỳ vào từng mục đích. Vấn đề ở đây đối với cán bộ ngân hàng là xác định xem báo cáo thuế và báo cáo điều hành của doanh nghiệp có độ chính xác đến bao nhiêu.

1. Một số phương pháp doanh nghiệp thường làm để ghi giảm lợi nhuận như sau:

- Ghi giảm doanh thu:

+ Công ty có thể thành lập ra một vài công ty con để ghi giảm doanh thu

+ Xuất hoá đơn thẳng từ người bán hàng cho người mua hàng, thường các doanh nghiệp nhập khẩu uỷ thác áp dụng cách này.

+ Công ty có thể bán lẻ hàng nên không xuất hoá đơn đầu ra. Trong trường hợp này phải xác định sự hợp lý giữa giá đầu vào với giá đầu ra. Nếu đầu vào cũng mua không cần xuất hoá đơn thì việc ghi giảm doanh thu của doanh nghiệp là dễ dàng. Tuy nhiên nếu đầu vào nhập khẩu hoặc mua trong nước phải xuất hoá đơn thì đầu ra tối thiếu cũng phải bằng giá vốn nhập vào.

- Ghi tăng chi phí:

+ Ghi tăng giá vốn hàng bán: trường hợp này có thể chỉ thực hiện được đối với các công ty đầu vào cũng là công ty cùng chủ sở hữu.

+ Ghi tăng các chi phí lương, quản lý, khấu hao cơ bản

+ Hạch toán phần vốn do CSH góp vào vốn vay để ghi tăng chi phí lãi vay

+ Thay đổi phương pháp hạch toán hàng tồn kho: Nếu giá hàng hoá NVL đang có xu hướng tăng lên, Doanh nghiệp sẽ sử dụng phương pháp hạch toán LIFO (nhập sau xuất trước) để chênh lệch giá mua – giá bán thấp đi. Nếu giá hàng hoá NVL đang có xu hướng giảm đi thì sẽ sử dụng phương pháp hạch toán FIFO (nhập trước xuất trước) để làm giảm chênh lệch giá mua – giá bán.

+ Ghi giảm giá trị tài khoản chi phí chưa kết chuyển để tăng chi phí đã kết chuyển trong kỳ, từ đó ghi tăng chi phí được hạch toán.

+ Không ghi nhận những khoản tổn thất trong kinh doanh đã được xử lý, ghi tăng những khoản tổn thất trong kinh doanh để hạch toán vào chi phí trong tài khoản thiếu chờ xử lý.

2. Một số phương pháp doanh nghiệp thường làm để ghi tăng lợi nhuận như sau:

+ Thoả thuận với các công ty bán hàng v/v xuất hàng với giá thấp hơn thực tế để ghi giảm giá vốn.

+ Ghi tăng giá trị tài khoản chi phí chưa kết chuyển để giảm chi phí đã kết chuyển trong kỳ, từ đó giảm chi phí được hạch toán.

+ Giấu những khoản tổn thất trong kinh doanh, chưa hạch toán vào chi phí trong tài khoản thiếu chờ xử lý

+ Ẩn dấu những chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ vào giá trị các tài khoản hàng tồn kho (hạch toán vào chi phí kinh doanh dở dang hoặc thành phẩm) để làm giảm chi phí thực hạch toán trong giá vốn hàng bán.

+ Hạch toán thấp chi phí KHTSCĐ, chi phí quản lý, các khoản chi phí tài chính

+ Thay đổi phương pháp hạch toán hàng tồn kho: Nếu giá hàng hoá NVL đang có xu hướng tăng lên, Doanh nghiệp sẽ sử dụng phương pháp hạch toán FIFO (nhập trước xuất trước) để chênh lệch giá mua – giá bán cao hơn. Nếu giá hàng hoá NVL đang có xu hướng giảm đi thì sẽ sử dụng phương pháp hạch toán LIFO (nhập sau xuất trước) để làm tăng chênh lệch giá mua – giá bán.

(còn nữa)

ST

About Author

Dark Swan
Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com