Một kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính vững chắc sẽ giúp các nhà đầu tư nắm được tầm nhìn của nhà khởi nghiệp rõ ràng hơn.
Khi nhà khởi nghiệp bắt đầu mở doanh nghiệp mới, một trong những bước đầu tiên cần làm là tạo ra một kế hoạch kinh doanh. Nó không chỉ là nền tảng cho những thành công tương lai, mà trong trường hợp muốn gọi vốn, một kế hoạch kinh doanh vững chắc cũng sẽ giúp các nhà đầu tư nắm được tầm nhìn của nhà khởi nghiệp rõ ràng hơn.
Jennifer Spaziano – Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Accion (công ty phi lợi nhuận, chuyên cung cấp mạng lưới vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ) nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tài chính trong kế hoạch kinh doanh: “Yếu tố tài chính rất quan trọng nếu bạn muốn trình bày kế hoạch của mình với những nhà đầu tư hoặc bên cho vay tiềm năng. Nhưng nó cũng quan trọng đối với nội bộ công ty, vì đóng vai trò như một lộ trình cụ thể để công ty bạn bắt đầu hoạt động theo và tiếp tục phát triển”.
Theo bà, nhà khởi nghiệp có thể có những ý tưởng “tốt nhất thế giới”, nhưng họ sẽ không biết rằng nó có khả thi hay không nếu chưa ngồi xuống và viết ra những con số.
“Bí kíp” viết phần tài chính
Jennifer Spaziano chia sẻ 4 “bí kíp” đơn giản để trình bày phần tài chính trong kế hoạch kinh doanh:
- Tuân thủ theo những chuẩn mực kế toán chung
- Tận dụng các nền tảng, phần mềm chuyên về kế toán được chấp nhận rộng rãi
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn về hoạch định tài chính hoặc kế toán. Ghi chú lại trong kế hoạch nếu có sử dụng những thông tin tài chính đã qua kiểm toán
- Nếu muốn tự thực hiện phần thông tin tài chính, nhà khởi nghiệp có thể tham khảo một số nguồn uy tín để lấy các mẫu trình bày thông dụng.
Không bỏ sót các thông tin cần thiết
Mỗi phần trong kế hoạch kinh doanh đều có những thông tin bắt buộc phải có, phần tài chính cũng không ngoại lệ.
Các dữ liệu trong quá khứ bao gồm các yếu tố như bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các tờ khai thuế, vốn. Còn các dữ liệu trong tương lai bao gồm các thông tin như báo cáo thu nhập dự kiến để các nhà đầu tư, nhà cho vay hiểu được cách bạn sẽ dùng tiền của họ để đầu tư.
“Phần tài chính của một kế hoạch kinh doanh có 2 thành tố: dữ liệu trong quá khứ và dữ liệu trong tương lai. Nếu là một nhà khởi nghiệp, công ty bạn sẽ không có những dữ liệu về thông tin tài chính trong quá khứ, vì vậy thay vào đó, những nhà đầu tư hoặc người cho vay có thể sẽ muốn xem thông tin tài chính cá nhân của bạn”, theo Spaziano.
Cho biết rõ con số cụ thể về nhu cầu tài chính
Tài chính là xương sống của một doanh nghiệp, vì vậy khi viết phần này trong kế hoạch kinh doanh, nhà khởi nghiệp cần phải thật kỹ lưỡng.
“Hãy cẩn thận và đảm bảo rằng những dự báo của bạn phù hợp với những con số mà bạn đã đề ra để gọi vốn cho kế hoạch kinh doanh của mình. Bất kỳ sự thiếu nhất quán nào ở đây cũng đều có khả năng làm trì hoãn quá trình gọi vốn của bạn. Trường hợp tệ nhất, chúng có thể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và đánh bật bạn ra khỏi danh sách tiềm năng của các nhà đầu tư”, Spaziano nói.
Bên cạnh những thông tin về công ty, như đã nói ở trên, nhiều khả năng nhà khởi nghiệp sẽ bị hỏi về vấn đề tài chính cá nhân. Chuyên gia Spaziano khuyên người khởi nghiệp nên đề cập đến vấn đề này trong kế hoạch kinh doanh, và chuẩn bị sẵn thông tin về lịch sử tín dụng của mình cũng như những thông tin tài chính cá nhân khác, phòng khi nhà đầu tư hoặc người cho vay yêu cầu.
“Hãy suy nghĩ dưới góc độ của nhà đầu tư. Nghĩ về những thông tin bạn có thể sẽ muốn biết về người đang gọi vốn và những vấn đề tài chính đặc biệt mà bạn muốn biết trước khi đầu tư tiền của mình vào một doanh nghiệp… Phần tài chính trong kế hoạch kinh doanh là nơi bạn biến những thông tin sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, marketing… thành những con số, và chứng minh tại sao công ty bạn lại là một khoản đầu tư thông minh”, Spaziano cho biết.
Không tư duy cảm tính về tài chính
Tại cuộc thi khởi nghiệp thường niên Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, các giám khảo đồng thời cũng là những doanh nhân, nhà đầu tư cũng thường lưu ý, một nhược điểm chung của các đề án khởi nghiệp ở cuộc thi là các thí sinh chưa hiểu kỹ về các chỉ số tài chính, dẫn tới việc tính toán không hợp lý (đưa ra con số quá cao hoặc quá thấp). Nhiều thí sinh chưa phân biệt rõ giá thành và giá bán sản phẩm, đưa ra chỉ số IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ), NPV (giá trị hiện tại thuần) quá cao khiến dự án không có tính khả thi. Nhiều chủ dự án còn tính toán dòng tiền chưa đúng…
Ngoài ra, việc hoạch định con số doanh thu kỳ vọng cũng như ước lượng số vốn đầu tư chưa sát với thực tế cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến đề án kinh doanh của các nhà khởi nghiệp trẻ trở nên thiếu tính khả thi.
“Phải tính ra được giá thành cụ thể của từng đơn vị sản phẩm, ví dụ như 100ml rượu sẽ có giá bao nhiêu. Chỉ có như thế mới có thể thuyết phục được nhà đầu tư, để họ không nghĩ rằng yếu tố tài chính trong đề án được đưa ra một cách cảm tính”, bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT lưu ý.
Nói về tầm quan trọng của phần tài chính trong kế hoạch kinh doanh, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, kế hoạch tài chính không phải là những “con số vô hồn” mà là những con số biết nói, có kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ giúp công ty khởi nghiệp giảm bớt những khoản chi phát sinh ngoài dự kiến, chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Theo: DNSG