Trước tiên, hãy hiểu giúp tôi rằng làm sếp là một công việc toàn thời gian. Khó mà cân bằng được khi nào làm sếp, khi nào làm bạn, cho dù sách hướng dẫn có đầy. Tôi tin là một người sếp tốt thì phải là một người tốt trước cái đã. Kỹ năng quản trị thì học ở đâu cũng được, nhưng tấm lòng luôn nghĩ về những đồng nghiệp xung quanh thì chỉ có tại tâm, chứ không thể thay thế. Cho nên, từ tâm, tôi nghĩ làm sếp thì phải thế này:
1. Phải tự chủ
Trong bất cứ tình huống nào, bản thân người làm sếp phải vững tâm, cho dù trong lòng đang đánh trống trận hoặc chẳng nhấc nổi dùi. Theo tôi, kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng cực kỳ quan trọng và tôi đã không có nó trong suốt thời gian trước đây. Cho nên, ngay từ điều 1 này, tôi xin thừa nhận là tới giờ mình vẫn cần phải học.
2. Phải chân thành
Cho dù có điều 1 hay không, khi có dịp bày tỏ cảm xúc, nên chân thành. Vui cũng chân thành, giận cũng chân thành. Khen cũng chân thành, chê thì càng nên chân thành gấp bội. Một điểm tích cực của khả năng bày tỏ cảm xúc chân thành là mình sẽ trở nên một ngươi đáng tin cậy và người đối diện không phải dò xét hay đề phòng. Việc này cũng quan trọng vì làm với nhau thì phải tin nhau mới làm được.
3. Phải công bằng
Đây là một điều cực khó vì cho dù trong tình huống thực tế, hoàn toàn công bằng không hề dễ, xung quanh luôn có những cơ chế tự nhiên hoặc nhân tạo để kiểm soát sự thiên vị. Những lời đồn đại loại như "Sao nhân viên này ít bị sếp mắng, chắc được sếp thích" hay gửi thư thẳng cho nhân sự với nội dung là "Vị này ghét tôi nên toàn giao việc xương không!" cũng có lúc phát huy tác dụng. Bởi vậy, tuy có muốn o bế riêng cho ai đó cũng khó, sự công bằng được xuất phát và duy trì bằng ý thức vẫn hơn.
4. Phải có niềm tin
Tin vào bản thân, tin vào đồng sự, tin vào mục tiêu chung, cho dù đó là mang lại doanh thu, phục vụ khách hàng hay cùng nhau phát triển trong nghề nghiệp. Có hai lựa chọn, làm rồi mới tin hay tin rồi cho làm. Tôi nghĩ niềm tin đặt vào ai đó không hề là một quyết định một chiều. Nhiều khi mình phải có điểm 1-2-3 như ở trên rồi thì người ta mới tin mình và làm cho mình tin. Tuy vậy, mình sẽ không chọn cách coi niềm tin là xa xỉ, vì sống nghi ngại quá thì cũng mệt. Nhưng...
5. Phải luôn kiểm tra
Tôi đi làm hồi đầu hay đánh đồng "kiểm tra" để "bắt lỗi". Giờ nghĩ lại, thật sự chắc ít có người sếp nào thích bắt lỗi nhân viên, thà đuổi cho rồi. Sau này, tôi nghiệm ra mỗi lần kiểm tra hay bị kiểm tra thì đều là một "teaching moment" hoặc "learning moment" cho mình hay đồng nghiệp. Mình bị sếp nhắc thì học thêm một điều. Mình nhắc bạn mình thì đang hoàn thiện cho sếp bạn hưởng được thành quả tốt hơn. Việc kiểm tra này đi đôi với niềm tin. Kiểm tra không có nghĩa là không tin. Nhưng không kiểm tra thì dễ mất niềm tin lắm! Cho nên, mất lòng trước được lòng sau các bạn ạ!
6. Phải bao quát
Tất nhiên, thuyền to thì sóng lớn. Đã dám quản trị một vài người, quản lý nhiều đầu việc thì phải tập cách bao quát nhiều vấn đề và sẵn sàng bắt tay giúp khi cần thiết. Chuyện này chắc ai cũng hiểu, không phải nói nhiều.
7. Phải chi tiết
Lạ, làm sếp thì cần bao quát, chi tiết làm gì cho nhân viên ghét? Nhưng thật sự mà nói, tôi nghĩ là hiểu chi tiết cốt lõi là để giúp bạn khi cần. Điều này thật sự phù hợp cho người làm chuyên môn như bản thân tôi, cần hiểu mục tiêu chung, nắm kỹ chi tiết cốt lõi, còn ngoài ra thì tôi tin các bạn đủ kỹ năng, kỹ thuật để làm.
Chi tiết cốt lõi là gì? Là những khía cạnh chính yếu của vấn đề và của giải pháp. Các bạn hãy ghi nhớ rằng thứ chính yếu cũng là chi tiết, chứ không phải thứ yếu thì mới làm chi tiết. Cho nên, nếu lỡ có gặp sếp quan tâm chi tiết thì nên biết cách trao đổi với sếp về cái chính yếu để sếp yên tâm, lúc đó thì cái thứ yếu của mình sẽ không ai đụng tới.
Bản năng tự nhiên là người ta không hiểu bề mặt thì sẽ phải đào sâu. Nếu để sếp phải đào sâu, mổ xẻ việc mình làm thì có lẽ chính bạn cần phải cảm ơn người sếp đó đã dành thời gian cho mình hơn là ghét người ta.
8. Phải trung thực
Ở đây, không nói về khía cạnh dối trá hay lừa lọc. Ý trung thực ở đây, trong vai trò của sếp là minh bạch với đồng sự về thực tế, cho dù nó có hoành tráng hay đang ẩm ương. Tôi giữ quan điểm là một khi sếp đã đề nghị mọi người đồng lòng, chung tay giúp đỡ thì có lẽ đừng nên đặt câu hỏi mà nên lao vào ngay.
Bởi vì, ở vai trò đứng đầu, nếu họ không giải quyết được ngay thì có nghĩa là đang nguy cấp. Lúc đó, bạn nào còn hỏi "Tôi làm việc này, tôi được gì?" thì câu trả lời của mình sẽ làm "Bạn được tự do, không cần làm." Như vậy, dễ thở hơn cho cả hai. Nhưng, để có được sự tận tâm của nhân viên, chắc 7 điều trên cần phải được thể hiện đã, trong lúc này hay lúc trước. Không ai khi không bán thân bán mạng cho một người sếp không ra gì ngay từ đầu.
9. Phải rộng rãi
Có nhiều chơi nhiều, có ít chơi ít! Lâu lâu bao trà sữa hay gà rán thì đừng nên đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, cũng mong là những bạn được bao đừng có bào, vì để tới điểm số 9 này, có lẽ tôi đã trải qua chông gai với nhau nhiều rồi nên ai cũng có góp công góp sức, nên đôi lúc cũng nên góp vốn.
10. Phải tích cực
Cho dù có ai đó chọn con đường khác, vì không có cái gì hữu hình mà mãi mãi, thì nên giữ những điều tích cực dành cho nhau. Chỉ mong là ở con đường mới đó, các bạn sẽ tìm được hoặc trở thành một người sếp có những điểm trên, bởi vì sự hứng thú với công việc của các bạn là điều quan trọng nhất.
Đó chính là trách nhiệm của người làm sếp.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
(Danny Quach - Trí Thức Trẻ)