Khi nói đến việc xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0, mọi doanh nhân nhất định phải đối mặt với những lời từ chối bằng cách này hay cách khác trên con đường phát triển.
Và nếu họ muốn tiếp tục tiến về phía trước, các doanh nhân sẽ phải làm quen với việc nhận được những phản hồi tiêu cực. Đó chính là nhận định của Jack Ma - ông chủ của "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
"Là một doanh nhân, bạn phải làm quen với việc bị thách thức. Phải làm quen với việc nhận được cái lắc đầu, lời từ chối từ những người xung quanh, từ các nhà đầu tư hay từ các khách hàng của mình", chủ tịch của Tập đoàn Alibaba cho biết.
Tuy nhiên, từ chối nên được coi là một cơ hội vì nếu ngay ban đầu mọi người đều đồng ý với tầm nhìn hoặc dịch vụ của bạn, thì sau đó bạn sẽ không có cơ hội nào.
"Khi mọi người tin vào nó, bạn không có cơ hội. Ngược lại, nếu chỉ vài người tin vào nó, bạn tin vào nó và bạn chứng minh điều đó là đúng - đây được coi là cơ hội của bạn", Jack Ma chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Publicis Groupe Maurice Levy tại hội nghị Viva Technology ở Paris, ông trùm kinh doanh đã hồi tưởng lại khoảng thời gian ông cùng những người cộng sự của mình bắt đầu sáng lập Alibaba. Vào năm 1999 khi đó, họ gần như không có gì.
"Tôi đã nói chuyện với 18 người sáng lập, và một trong những điều chúng tôi muốn chứng minh đó là: Nếu Jack Ma và nhóm của anh ấy có thể thành công, thì 80% mọi người trên thế giới có thể thành công. Lý do là vì chúng tôi không có tiền, không có công nghệ, chúng tôi hầu như không có gì. Điều duy nhất chúng tôi có đó là tin tưởng vào tương lai và chúng tôi bắt đầu làm từng chút một", ông chủ Alibaba chia sẻ.
Jack Ma cũng nói thêm rằng ông tin bất cứ ai cũng có thể thành công, nếu họ thực sự cố gắng.
"Chúng tôi đã quen với việc bị chỉ trích. Chúng tôi không còn xa lạ với việc nhận được câu trả lời là "không" từ những người khác. Khi mọi người nói "có" với bạn, chúng tôi thực sự đánh giá cao điều đó. Ý tôi là tại sao mọi người nên nói "có" với bạn? Bạn phải chứng minh mình là người xứng đáng", doanh nhân 55 nói.
Ông cũng gợi ý rằng hai nhóm chính mà bạn nên tập trung để thuyết phục đó là nhóm kinh doanh và khách hàng của bạn.
Tuy hiện tại Jack Ma có tất cả - tài giỏi, giàu có, nổi tiếng và là thần tượng của giới trẻ trên khắp thế giới - thế nhưng, trước khi đạt được những thành công vang dội ấy, ông cũng từng phải trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn và vấp ngã không chỉ một vài lần.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên Jack Ma tự nhận thức được bản thân không có chỗ dựa, cũng chẳng có hậu thuẫn. Vì thế, ông đã sớm xác định học hành là con đường duy nhất giúp mình đi lên.
Jack Ma kiên trì tới mức cố chấp, ông đã thi trượt đại học tới 2 lần, nhưng vẫn quyết tâm đặt chân vào giảng đường Sư phạm để được trở thành một giáo viên tiếng Anh như giấc mơ từ thuở thơ ấu. Ông khao khát học hỏi tới mức dù bị Harvard từ chối 10 lần cũng vẫn đều đặn nộp hồ sơ xin nhập học vào trường đại học danh giá hàng đầu thế giới.
Sau những vấp ngã trên con đường học tập, Jack Ma lại trải qua biết bao sóng gió vì hàng loạt thất bại liên tiếp trong sự nghiệp đầu đời. Ông đã cầm đơn xin việc đi nộp khắp nơi và rồi ê chề khi bị từ chối tới 30 lần. Jack Ma cũng là người duy nhất trong số 24 ứng viên ứng tuyển vào cửa hàng KFC đầu tiên ở Trung Quốc bị từ chối thẳng thừng bởi ngoại hình không mấy đẹp đẽ.
Chính sự kiên nhẫn nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp ông vượt qua bao thất bại hết lần này đến lần khác, bởi ông luôn quan niệm rằng: "Con người cần phải có ước mơ, thất bại chính là tài sản quý giá nhất của thành công."
Đáng chú ý hơn, ông còn cho rằng khi đang ở độ tuổi 25, mọi người đều có quyền sai lầm và chẳng việc gì phải quá lo lắng, chỉ cần khi ngã rồi bạn tự biết cách đứng dậy, biết cách đối mặt với thất bại và vươn lên chạm tới thành công.
Ngày nay, Alibaba là một trong những thị trường bán buôn và thương mại điện tử hàng đầu thế giới với việc phục vụ hàng triệu người trên toàn cầu. Tập đoàn cũng mở rộng lĩnh vực kinh doanh từ bán lẻ sang các ngành công nghiệp khác bao gồm giải trí, điện toán đám mây và công nghệ tiếp thị.
Theo Nhịp sống kinh tế/CNBC