Có rất nhiều doanh nghiệp vượt trội được tạo nên dựa trên những mối quan hệ hợp tác kinh doanh ăn ý. Và ngược lại, cũng có không ít các doanh nghiệp lớn bị phá hủy bởi những đối tác không phù hợp.
Sau đây là chia sẻ của các doanh nhân - thành viên của The Oracles, về những điều cần được xem xét trước khi quyết định về chung một đội với đối tác kinh doanh.
The Oracles là một nhóm chuyên gia tư vấn, gồm các doanh nhân hàng đầu thế giới, họ chia sẻ các chiến lược thành công của mình để giúp đỡ người khác phát triển doanh nghiệp, đạt được thành công nhanh hơn và sống một cuộc sống tốt hơn. Đây là những kinh nghiệm được đúc rút từ những thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh vượt trội của họ.
1. Jack Canfield: Tin vào linh cảm của bản thân và làm rõ tất cả các điều khoản hợp tác bằng văn bản
Jack Canfield là đồng sáng lập thương hiệu nhượng quyền trị giá tỷ đô Chicken Soup for the Soul, tác giả cuốn sách bán chạy nhất của New York Times - The Success Principles (Các nguyên tắc dẫn đến thành công), và Giám đốc điều hành The Canfield Training Group.
Tất cả thành tựu của tôi đều đến từ các mối quan hệ hợp tác thành công: Đồng tác giả với Mark Victor Hansen bộ sách Chicken Soup for the Soul (tạm dịch: Món canh gà cho tâm hồn bạn); với Janet Switzer trong cuốn The Success Principles (Các nguyên tắc dẫn đến thành công); và cùng với Patty Aubery và Russ Kamalski điều hành các công ty của tôi.
Hai tiêu chí hàng đầu lựa chọn đối tác của tôi là: Một, tôi phải thích và tin tưởng con người họ. Hai, họ phải có những thứ mà tôi không có.
Thích và tin tưởng họ là những điều chủ quan, nhưng tôi đã học được cách tin vào linh cảm của mình. Nếu cảm thấy có bất cứ điều gì không đúng, tôi sẽ không hợp tác.
Một trong những sai lầm lớn nhất, chúng ta hay mắc phải khi ký kết hợp tác là không làm rõ các điều khoản về vai trò, giới hạn, bồi thường, cũng như chiến lược hoàn vốn của các bên bằng văn bản.
Sự tin tưởng lẫn nhau trong quá trình hợp tác là rất quan trọng, nhưng sự rõ ràng bằng văn bản khi tiến hành hợp tác cũng quan trọng không kém. Chúng ta sẽ có cách hiểu và diễn giải khác nếu các điều khoản này không được hệ thống lại bằng văn bản.
2. Tai Lopez: Tìm hiểu đối tác ít nhất một năm
Tai Lopez là nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô la, người xây dựng đế chế trực tuyến với hàng triệu lượt theo dõi, kết nối trên Facebook hay Snapchat.
Trước khi tiến đến hợp tác kinh doanh, tiêu chí hàng đầu của tôi là phải biết người đó ít nhất một năm. (Một số nghiên cứu tâm lý học và khoa học cho thấy con người sẽ thực sự cho thấy họ là ai sau một năm).
Cũng giống như hẹn hò vậy, bạn phải có thời gian tìm hiểu đối phương trước khi đi đến hôn nhân. Quan hệ đối tác kinh doanh là một cuộc hôn nhân, bạn cần một số "dự án hẹn hò" kinh doanh ngắn hạn. Qua đó, bạn hãy học cách quan sát đối phương và nếu cần thiết thì tham khảo thêm thông tin về đối tác từ các tổ chức, ban ngành có thẩm quyền.
Nếu “dự án hẹn hò” này không hiệu quả, bạn tiếp tục tìm kiếm đối tác tiềm năng khác. Giống như bạn quyết định không gặp lại đối phương sau 3 lần hẹn hò. Bạn không cam kết lâu dài nên hạn chế được tổn thất cho cả hai bên. Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải đó là đi đến hợp tác quá nhanh.
Trước tiên, bạn cần tóm tắt sơ lược trách nhiệm của từng bên khi quyết định hợp tác. Nếu không, có thể bạn sẽ phải làm tất cả mọi việc.
Trong bản hợp đồng hợp tác, cần ghi rõ trách nhiệm của phía đối tác, các quyền hạn của bạn và chiến lược thoái vốn. Ví dụ, bạn sẽ làm việc A, B, C trong khoảng 30 giờ và cần 5 giờ để làm việc Z.
Bạn càng chi tiết rõ ràng bao nhiêu, thì khả năng hợp tác thất bại ít đi bấy nhiêu.
3. Roberto Orci: Tính toán kỹ lưỡng nhưng không miễn cưỡng
Roberto Orci là hà sản xuất và biên kịch nhiều tác phẩm điện ảnh Hollywood và các chương trình truyền hình trị giá hơn 5 tỷ USD trên toàn thế giới.
Quan hệ hợp tác có thể sẽ rất tuyệt vời, nhưng cũng có thể trở thành cơn ác mộng tồi tệ. Do đó, bạn cần tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn đúng đối tác.
Nếu một cộng một bằng hai, thì đó không phải là sự hợp tác lý tưởng. Một cộng một phải bằng ba. Việc hợp tác phải mang lại nhiều hơn tổng giá trị ban đầu của cả hai bên; nếu không, nó chỉ đơn giản là đem phần việc bạn không chuyên ra ngoài thuê công ty khác làm giúp.
Bạn cũng nên tìm kiếm những đối tác giỏi hơn mình. Tôi từng chứng kiến rất nhiều người đã để cái tôi ngăn cản họ xây dựng các mối quan hệ hợp tác tuyệt vời. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi kỹ năng của đối tác và không thể vượt qua nó để đạt được một tầm nhìn lớn hơn. David Ogilvy - người được mệnh danh là "cha đẻ của ngành quảng cáo" từng nói, “Bạn nên thuê những người thông minh hơn bạn”.
Cuối cùng, bạn cần cảm thấy vui vẻ với sự hợp tác này. Sau tất cả, bạn tiến đến cam kết lâu dài với một “cuộc hôn nhân kinh doanh” và nó sẽ trở thành một phần quan trọng của cuộc đời bạn. Sẽ có rất nhiều khó khăn thử thách bạn. Và điều gì sẽ xảy ra, nếu bạn không thoải mái với sự hợp tác này? Bạn có xu hướng chống lại sức thuyết phục về năng lực cũng như uy tín của đối tác - chắc chắn việc hợp tác sẽ khó thể lâu dài.
4. James Swanwick: Chụp x-quang não bộ của đối tác
James Swanwick là Giám đốc điều hành của Swanwick Sleep và 30-Day No Alcohol Challenge (Chiến dịch Thử thách 30 ngày không thức uống chứa cồn).
Đầu tiên, tôi yêu cầu đối tác tiềm năng thực hiện các bài kiểm tra tính cách như HEXACO (đánh giá đối phương qua 6 yếu tố: sự trung thực – khiêm tốn, cảm xúc, hướng ngoại hay hướng nội, sự dễ chịu – dễ tức giận, sự tận tâm và sẵn sàng trải nghiệm) và Bộ ba đen tối (đó là 3 đặc điểm: sự nham hiểm, sự ái kỷ, sự thiếu đồng cảm), nó giống như chụp X-quang não bộ của họ. Giống như trong cuộc sống hôn nhân, việc hiểu rõ tính cách của đối tác kinh doanh là rất quan trọng.
Thứ hai, tôi tìm kiếm những người có cùng tầm nhìn nhưng lại có những kỹ năng khác hoặc bổ sung cho mình. Nó không chỉ đơn giản là thích hay không thích con người họ. Nếu bạn là một người hướng ngoại, hãy tìm người sống hướng nội. Nếu bạn là “bộ mặt” của công ty, có thể bạn cần một người vận hành giải quyết các vấn đề phía sau "hậu trường". Và ngược lại, nếu bạn đã là người vận hành công ty, có lẽ bạn cần một người hướng ngoại hơn.
Sai lầm lớn nhất tôi từng mắc phải là hợp tác cùng lúc với 3 đối tác khác nhau. Nó giống như một nồi súp bị nấu đi nấu lại quá nhiều lần, sẽ mất ngon. Tôi từng nghĩ có nhiều tính cách và ý kiến khác nhau là tốt, nhưng nó lại tạo ra quá nhiều xung đột, sự vị kỷ, trở ngại, và làm chậm lại tất cả mọi thứ. Một mối quan hệ hợp tác hoàn hảo là 2-3 đối tác, nhưng 4 dường như quá nhiều.
5. Chris Plough: Trao đổi cởi mở, thẳng thắn
Chris Plough là cố vấn doanh nghiệp và doanh nhân nối tiếp (serial entrepreneur).
Với tôi, quan hệ hợp tác là dựa trên mối quan hệ lâu dài và các bên cùng có lợi (win-win). Hợp đồng chỉ đơn giản là ghi lại sự đồng thuận của các bên và là chính sách bảo hiểm khi vị trị lãnh đạo thay đổi. Để đạt được điều này, chúng tôi cần ngồi xuống để bàn bạc và làm rõ 2 điều:
Một, những giá trị cốt lõi. Chúng tôi rà soát lại sự đồng thuận và cho cả hai bên phát triển sự tin tưởng lẫn nhau qua việc hiểu rõ các yếu tố then chốt tác động đến đối tác. Đó sẽ là nền tảng vững chắc cho chúng tôi khi gặp khó khăn hoặc khi mối quan hệ trở nên căng thẳng trong quá trình hợp tác.
Hai, hành trang của doanh nghiệp. Chia sẻ hành trang mình mang đến khi hợp tác kinh doanh, để chắc chắn rằng chúng tôi đang bắt đầu đúng hướng. Nó gồm sơ lược những kỳ vọng và cam kết của cả hai bên được chia sẻ công khai và có thể được đáp ứng. Chúng tôi cũng chia sẻ những lo ngại cũng như mong muốn từ sự hợp tác, để có thể cùng nhau giải quyết ngay trong giai đoạn lập kế hoạch hợp tác, chứ không phải khi bắt đầu xảy ra xung đột.
Tất cả những điều trên sẽ tạo nên các mối quan hệ hợp tác sinh lợi và lành mạnh, giúp bạn vượt qua những áp lực trên thương trường.
6. Phil Suslow: Đừng ngại chấm dứt hợp tác
Phil Suslow là chủ sở hữu Oznium (sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghệ LED)
Bạn có thể tham khảo các bài kiểm tra tính cách như Trắc nghiệm tính cách - Myers-Briggs Type Indicator, giúp phát triển khả năng tự nhận thức về tác phong làm việc của bản thân cũng như hiểu hơn về cách thức điều hành của đối tác. Ở đây có một sự đối lập là bạn muốn sự cân bằng, nhưng không muốn làm đối phương "nổi điên" vì sự khác biệt. Khi gặp phải tình huống này, việc tham khảo thêm sự hòa hợp về mặt chiêm tinh học giữa bạn và đối tác tiềm năng có thể sẽ hữu ích.
Căn chỉnh các mục tiêu trong quá trình hợp tác. Ví dụ, bạn có muốn hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh cá thể thụ động hay xây dựng công ty để bán lại với giá cao ngất ngưởng? Bạn muốn dành bao nhiêu giờ mỗi tuần cho việc kinh doanh? Bạn muốn tuyển dụng nhân sự vị trí nào? Bạn có bất cứ dự án nào khác hoặc các cam kết nào xung đột với doanh nghiệp hoặc làm bạn sao nhãng quá nhiều? Gia đình bạn có tham gia vào điều hành công việc kinh doanh?
Sai lầm lớn nhất tôi mắc phải trong quan hệ hợp tác xuất phát từ nỗi sợ hãi đối đầu. Tôi phải gồng mình với những cuộc thảo luận khó khăn với đối tác. Có lần, tôi đã trì hoãn kết thúc một mối quan hệ hợp tác quá lâu mặc dù tôi biết nó không phù hợp. Nó gây ra rất nhiều bất ổn tinh thần và lãng phí năng lượng không cần thiết, thay vì tôi có thể xây dựng một mối quan hệ hợp tác phù hợp với mình hơn.
Theo: DNSG