Mất cân đối tài chính là tình trạng mà một công ty rơi vào tình trạng gặp khó khăn về dòng tiền khi thanh toán nợ và thậm chí rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Khi tình trạng này xảy ra, nó thường đưa đến những hậu quả rất tiêu cực đó là, chủ nợ có thể dừng cho vay hoặc lãi suất cho vay tăng vọt, các nhà cung cấp sẽ đòi hỏi các điều khoản thanh toán tiền mặt ngay và khách hàng có thể rời bỏ công ty do lo ngại công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm đã cam kết, giá cổ phiếu thì sụt giảm thảm hại. Chính vì vậy, việc kiểm soát tài chính của Giám đốc tài chính cần được thực hiện tốt nhằm đảm bảo công ty tăng trưởng bền vững và tránh rơi vào tình huống không mong muốn này.
Nguyên nhân sâu xa của mất cân đối tài chính
Thực chất một công ty đi từ tình hình tài chính bình thường, lành mạnh đến quá trình mất cân đối tài chính là một quá trình khá từ tốn và lâu dài, giống như một căn bệnh hiểm nghèo thường trải qua nhiều giai đoạn trước khi đến giai đoạn vô phương cứu chữa. Khi tình trạng mất cân đối tài chính thực sự xảy ra thì lúc này quá trình cứu chữa là rất khó khăn, tạo ra những thiệt hại lớn như giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, lợi nhuận không còn hoặc bị lỗ và thường vận mệnh của doanh nghiệp sẽ tuỳ thuộc rất lớn vào sự đồng ý tái cấu trúc của chủ nợ.
Một trong những đặc điểm rút ra từ việc xảy ra sự mất cân đối tài chính ở nhiều công ty đó là nó thường xảy ra trong bối cảnh kết hợp một cú sốc mạnh bên ngoài với những yếu kém nội tại bên trong. Trong đó, yếu kém bên trong là yếu tố lâu dài đã tích tụ lại và khi kết hợp với những cú sốc bên ngoài kéo dài dai dẳng thì nó dẫn đến hậu quả tất yếu là mất cân đối tài chính.
Những yếu tố bên trong
Nguyên nhân chính và thường lặp lại ở nhiều công ty đó là mất cân đối từ tăng trưởng quá nóng thông qua đầu tư dàn trải nhiều dự án quy mô lớn bằng nợ vay. Đây là một nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối tài chính ở nhiều công ty, ví dụ như trước đây, CTCP Sông Đà Thăng Long cùng một lúc triển khai nhiều dự án bất động sản quy mô lớn dẫn đến nhiều dự án không hoàn thành khi bị thiếu vốn và từ đó thiếu hụt dòng tiền để trả nợ.
Nguyên nhân thứ hai thường gặp đó là, thời gian vay vốn ngắn hơn khá nhiều so với thời gian hoạt động của dự án. Đây là đặc trưng chung trong một số lĩnh vực đầu tư ví dụ như đầu tư thuỷ điện, khi thời gian vay thường ngắn khoảng 8 – 10 năm trong khi dự án có thể vận hành trong khoảng 25 năm. Chính vì vậy, trong những năm đầu tiên của dự án thì áp lực trả nợ là rất lớn và thường là công ty có thể thiếu tiền để trả nợ. Và nếu công ty lại có nhiều dự án đầu tư lớn như vậy thì căng thẳng tài chính thường xảy ra do áp lực cộng hưởng của nhiều dự án đưa lại.
Tại sao các công ty lớn với các Giám đốc Tài chính được đào tạo bài bản nhưng họ lại không thể đảm nhiệm được vị trí là “chốt chặn cuối cùng” để ngăn cản tình trạng đầu tư thái quá và đảm bảo quá trình tăng trưởng phù hợp với năng lực tài chính nội sinh và khả năng huy động vốn bên ngoài của công ty? Câu trả lời nằm ở cấu trúc quyền lực của công ty. Những công ty thường xảy ra tình trạng này nghiêm trọng đó là những công ty mà Giám đốc Tài chính chỉ được phân quyền khá hạn chế ở những lĩnh vực như kế toán, thuế và các quyết định đầu tư được tập trung vào thiểu số cá nhân lãnh đạo thường là cổ đông lớn nhất của Công ty. Nếu các quyết định đầu tư chưa được xem xét kỹ, thiếu sáng suốt và các ý kiến phản biện của Giám đốc Tài chính không được lắng nghe thì khả năng cao là nó sẽ dần đưa công ty tới một tình hình tài chính đầy rủi ro. Lúc này trách nhiệm đưa công ty tới khủng hoảng tài chính không thể đổ lỗi ở Giám đốc Tài chính được.
Những cú sốc từ bên ngoài kéo dài dai dẳng
Khủng hoảng khả năng thanh toán hay mất cân đối tài chính của Công ty thường xảy ra xuất phát từ những cú sốc từ bên ngoài kéo dài một cách dai dẳng. Cú sốc bên ngoài thường là một tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Có lẽ quan trọng nhất là cú sốc đến từ sự sụt giảm đột ngột của nhu cầu thị trường đầu ra kéo dài một cách dai dẳng do sự dư thừa công suất trong ngành hoặc sự thay đổi công nghệ dẫn đến cầu sản phẩm giảm mạnh. Sự khó khăn của những tập đoàn Vinalines một phần đáng kể xuất phát từ việc thị trường đầu ra sụt giảm mạnh và giá sản phẩm, dịch vụ đầu ra giảm mạnh trong một thời gian khá dài.
Cú sốc thị trường đầu ra nếu lại kết hợp với một cú sốc từ chi phí đầu vào tăng mạnh hay mặt bằng lãi suất tăng mạnh thì điều này thực sự dẫn đến một thảm hoạ cho các công ty mà có nhiều các dự án đầu tư đang dở dang hoặc đang vay nợ lớn. Chính yếu tố thời gian của cú sốc bên ngoài thường kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp dù là doanh nghiệp lớn cũng bị bào mòn khả năng tài chính và suy kiệt dòng tiền, mất khả năng thanh toán.
Cứu thoát khỏi mất cân đối tài chính
Khi đã lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính thì tái cấu trúc toàn diện, trong đó có tài chính sẽ cần được thực hiện để giúp công ty tái lập lại tình trạng cân bằng tài chính. Tái cấu trúc tài chính được coi là khởi đầu cực kỳ quan trọng giúp công ty từng bước cân bằng dần lại tình trạng tài chính và tuỳ theo tình hình tài chính nghiêm trọng đến đâu mà liệu pháp đưa ra phù hợp. Biện pháp thứ nhất thường là thoái vốn khỏi các khoản đầu tư kém hiệu quả hoặc các khoản đầu tư không trọng yếu để trả bớt nợ. Ví dụ năm 2015, CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam đã thoái vốn khỏi Thuỷ điện Văn Chấn để giảm bớt quy mô nợ phải trả.
Thứ hai, biện pháp được mong đợi nhất là các cổ đông góp thêm vốn kết hợp với việc các chủ nợ sẽ cho phép tái cơ cấu nợ. Ví dụ Công ty Xi măng Hà Tiên 1 năm 2013 đã được công ty mẹ là Tổng Công ty Xi măng (Vicem) chuyển nợ thành vốn cổ phần để tháo gỡ khó khăn về nợ cho Công ty. Công ty Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã phục hồi hoạt động kinh doanh nhờ được các chủ nợ cho phép xoá nợ lãi hàng trăm tỷ đồng và cho phép cơ cấu lại kỳ hạn nợ. Thứ ba, nếu thị trường sản phẩm đầu ra phục hồi thì điều này sẽ đóng góp tích cực tạo ra dòng tiền mạnh hơn và lợi nhuận lớn hơn giúp các công ty có thể tái cơ cấu nợ tích cực hơn. Sự phục hồi của ngành xi măng trong năm 2014 – 2015 đã đưa đến dòng tiền mạnh hơn và giúp hàng loạt các công ty xi măng lớn có nguồn để trả nợ và tái cấu trúc lại nguồn vốn.
Các giải pháp dài hạn giúp tăng trưởng bền vững
Vậy vấn đề làm thế nào để các công ty có thể tránh được việc rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính và đảm bảo quá trình tăng trưởng bền vững? Theo quan điểm của tôi thì có ba giải pháp quan trọng.
Thứ nhất và quan trọng nhất là các công ty cần hoạch định kỹ lưỡng một kế hoạch tài chính dài hạn, trong đó, phải cân đối nhu cầu vốn đầu tư tổng thể với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt là phải thực hiện thử nghiệm khả năng chịu đựng (stress test) trong viễn cảnh khủng hoảng dòng tiền hay các cú sốc dai dẳng thì Công ty có thể tồn tại được hay không? Khi chúng tôi tư vấn cho một công ty xây dựng lớn, lãnh đạo của Công ty muốn làm 5 dự án từ nay đến 2020 với quy mô vốn là khoảng 7.000 tỷ đồng, sử dụng các kỹ thuật lập kế hoạch tài chính dài hạn chúng tôi đã tư vấn rằng, chỉ làm 2 cái trước với quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng, còn nếu không thì khả năng cao là sẽ vỡ, và để làm được 2 cái dự án này thì phải phát hành cổ phiếu thêm khoảng 300 tỷ đồng và có lẽ là đơn vị đã tin tưởng lời tư vấn của chúng tôi. Hiện nay họ đang làm 2 cái dự án và đã phát hành cổ phiếu được 200 tỷ đồng và tình hình tài chính thì khá tốt.
Các quyết định đầu tư một khi đã đưa ra và triển khai thì rất khó từ bỏ và nhiều khi doanh nghiệp buộc phải “đâm lao đành phải theo lao” và nếu quyết định từ bỏ thì việc bán dự ánthậm chí sẽ gây lỗ nặng. Chính vì vậy, các quyết định đầu tư nên được thẩm định kỹ lưỡng để loại bỏ các dự án không sinh lời tốt hoặc không thực sự cần thiết thay vì để phải sửa sai đầy tốn kém sau này.
Thứ hai, giải pháp quan trọng nằm ở cấu trúc quyền lực của Công ty. Quy luật của chính trị Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối cũng đúng với doanh nghiệp, quyền lực tuyệt đối có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Một cấu trúc quyền lực của Công ty phù hợp, ở đó cho phép các ý kiến của các Giám đốc bộ phận, trong đó có Giám đốc Tài chính, có vai trò và tiếng nói quan trọng hơn sẽ giúp Công ty tránh được thảm cảnh rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững hay mất cân đối tài chính.
Thứ ba, cái phao cứu sinh tốt nhất cho công ty tự cứu mình thường chính là giá cổ phiếu bởi vì, giá cổ phiếu cao tạo ra một tiềm năng cho công ty tự cứu bản thân mình thông qua phát hành cổ phiếu để tái cấu trúc lại nợ. Chính vì vậy, trong điều kiện bình thường, các công ty cần ưu tiên cho việc quản trị hiệu quả tạo ra tỷ suất lợi nhuận trên vốn tốt, duy trì giá cổ phiếu ở mức hợp lý và thực hiện một chính sách ổn định cổ tức để ổn định giá cổ phiếu.
Nguồn: Cafef