Người Do Thái thông minh nhất thế giới: Nếu không tin, đọc ngay câu chuyện "trốn thuế" này!

Người Do Thái thông minh nhất thế giới: Nếu không tin, đọc ngay câu chuyện "trốn thuế" này!

Hàng loạt những cái tên như nổi tiếng trong giới khoa học như Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch... đều là người Do Thái.

Dân tộc Do Thái được nhận định là dân tộc thông minh nhất thế giới. Theo thống kê, IQ trung bình của người Do Thái là khoảng 110, so với mức 100 của toàn cầu. Trong thế kỉ 20, người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số nước Mỹ nhưng có tới 27% nhà khoa học đoạt giải Nobel của nước này là người Do Thái.

Tương tự, ở các giải thưởng khoa học khác, người Do Thái cũng chiếm tỉ lệ lớn: 25% nhà toán học đoạt giải Fields Medal (giá trị tương đương giải Nobel về toán học), 25% người đoạt giải ACM Turing Award về khoa học máy tính, và rất nhiều nhà vô địch cờ vua... Hàng loạt những cái tên như nổi tiếng trong giới khoa học như Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch... đều là người Do Thái.

Trên đây là những nhận định được chứng minh qua nghiên cứu và khoa học. Nếu bạn còn bán tín bán nghi về sự thông minh của dân tộc này thì câu chuyện kinh doanh này khiến bạn phải trầm trồ. Bài viết sử dụng nội dung từ cuốn sách "Bí quyết kinh doanh của người Do Thái" - Biên dịch Trí Thức Việt, NXB Văn hóa thông tin.

Johnny là một thương nhân người Mỹ gốc Do Thái, đã lăn lộn trong thương trường hơn 30 năm. Vì vậy, ông đã nghiên cứu rất nhiều những thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế trong hoạt động kinh doanh thương nghiệp. Đối với các điều khoản quy định của hải quan Mỹ, ông càng nắm rõ trong lòng bàn tay.

Từng có một thời gian, để nhập khẩu găng tay da nữ từ Pháp vào Mỹ, phải nộp thuế nhập khẩu khá cao. Vì vậy, giá bán của loại găng tay này trên thị trường Mỹ cũng hết sức cao.

Để kiếm được nhiều lợi nhuận, Johnny đã bay đến Pháp, mua 10 ngàn đôi găng tay lông cừu cao cấp nữ. Để không phải đóng quá nhiều thuế nhập khẩu, ông chia 10 ngàn đôi găng tay thành từng chiếc riêng lẻ, 10 ngàn chiếc găng tay bên trái được đóng vào một thùng, chuyển phát về Mỹ, 10 ngàn chiếc găng tay bên phải tạm thời giữ lại ở Pháp.

Sau đó, tại sảnh chuyển hàng của hải quan Mỹ, hàng hóa được chất thành đống, một chiếc thùng gỗ lớn đang nằm ở góc tường, vẫn chưa có ai đến lấy. Đó là một thùng hàng được gửi đến từ Pháp, bên ngoài cũng bình thường như bao thùng hàng khác. Điều kỳ lạ là, đã quá thời hạn lấy hàng, mà vẫn chưa thấy chủ nhân của thùng hàng đến nhận.

Căn cứ quy định của hải quan Mỹ, những lô hàng vượt quá thời hạn lấy hàng mà vẫn không có người đến nhận, bộ phận hải quan có quyền xem đó là lô hàng vô chủ, đem ra bán đấu giá.

Một hôm, nhân viên hải quan mở thùng hàng ra xem, phát hiện bên trong là một lô găng tay nữ được sản xuất từ Pháp. Các nhân viên hải quan hết sức ngạc nhiên, vì loại găng tay này không chỉ được sản xuất bằng nguyên liệu cao cấp, gia công tinh xảo mà kiểu dáng và màu sắc cũng hết sức độc đáo. Tổng cộng là 10 ngàn chiếc.

Bấy giờ, loại găng tay lông cừu cao cấp này có giá bán rất cao ở Mỹ, tại sao lại không có người đến lấy? Điều khiến cho các nhân viên hải quan đau đầu hơn nữa là, 10 ngàn chiếc găng tay đó chỉ toàn là găng tay bên trái.

Chiếu theo thông lệ, các nhân viên hải quan đã đưa số găng tay kể trên đến phòng bán đấu giá. Tại đó, Johnny nhanh chóng mua lại toàn bộ lô hàng với cái giá rẻ bèo.

Sau khi lô hàng thứ nhất được phát đi, Johnny đã biết lực lượng hải quan Mỹ sẽ chú ý đến lô hàng kỳ lạ của mình. Vì vậy, ông cố ý trì hoãn không chuyển phát tiếp lô hàng thứ hai, để hai lô hàng cách nhau đến hơn một tháng, mục đích là khiến cho các nhân viên hải quan mệt mỏi, mất cảnh giác.

Để lô hàng thứ hai có thể thuận lợi qua được hải quan, ông đã thay đổi hình thức đóng gói. Ông cẩn thận phân loại 10 ngàn chiếc găng tay theo kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng... cứ hai chiếc lại đóng vào trong một cái hộp hình chữ nhật, được gói cẩn thận tròng một lớp giấy nilon.

Mặt ngoài của những chiếc hộp cũng được trang trí hết sức xinh đẹp. Bên trên còn ghi rõ nhà sản xuất, đăng ký thương hiệu, số hiệu, ngày xuất xưởng và hướng dẫn sử dụng. Tính tổng cộng, ông đã dùng đến 5000 cái hộp để đóng gói toàn bộ số găng tay còn lại, sau đó lập tức chuyển về Mỹ.

Ông đã tính toán, khi số hàng này được chuyển đến Mỹ, cũng là lúc thị trường tiêu thụ găng tay sôi nổi nhất.

Để nhanh chóng luân chuyển nguồn vốn, ông đã lần lượt tiến hành thương lượng với một số đại lý bán sỉ và cửa hàng bán lẻ, để cho 10 ngàn đôi găng tay có thể cùng lúc xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, chỉ cần lô hàng thứ hai đến được, mọi việc xem như đã thành công trọn vẹn.

Mọi việc đã tiến triển đúng như dự tính của ông, sau khi lô hàng thứ hai được chuyển đến, các nhân viên hải quan nhìn thấy mỗi hộp chỉ gói hai chiếc găng tay, liền khẳng định đó là một đôi, thêm vào đó mỗi gói hàng đều được đóng gói cẩn thận, xinh đẹp, mọi thủ tục đều hoàn thành, nên đã "bật đèn xanh" cho qua.

Johnny hớn hở đến nhận số hàng, đương nhiên cũng phải nộp thuế quan cho 5000 đôi găng tay ấy, cộng với một số tiền nhỏ đã bỏ ra để mua lại lô hàng thứ nhất trong cuộc bán đấu giá, vậy là ông đã chuyển được 10 ngàn đôi găng tay vào đất Mỹ một cách trót lọt.

Trung tuần tháng 10, một lô găng tay lông cừu cao cấp của Pháp đã xuất hiện trên thị trường thời trang của Mỹ. Mặc dù giá cả không rẻ chút nào, nhưng do chất liệu cao cấp, kiểu dáng độc đáo, gia công tinh xảo, thêm vào đó trời đã lập đông nên 10 ngàn đôi găng tay lông cừu cao cấp đã được bán sạch chỉ trong một thời gian ngắn.

Trí thức trẻ - PV tổng hợp

About Author