Có vài trăm triệu đồng mang ra thử nghiệm ý tưởng có thể là quyết định nhất thời của tuổi trẻ nhưng họ không có ý phiêu lưu mà quyết tâm đi tới bằng tư duy sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm gần gũi cuộc sống.
Làm đúng những gì chưa đúng
Xuất thân là dân chế tạo máy, Hà Văn Lộc từng làm việc cho một công ty sản xuất nệm. Thích những loại thảo dược, biết trong y học cổ truyền người ta đốt ngải cứu hơ vào các huyệt đạo trị được nhiều bệnh, anh cùng bạn bè nghĩ đến việc làm sản phẩm từ cây thuốc này.
Đầu tiên nhóm tìm học công thức làm viên ngải cứu và cách hơ ngải cứu. Thời điểm đó trên thị trường đã có máy hơ ngải cứu, nhưng giá đến 3 triệu đồng. Lộc nghiên cứu làm máy giá rẻ hơn.
Chiếc máy hơ ngải cứu TCS thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng ra đời, ưu điểm là có ống đựng viên ngải cứu giúp tàn không bị rơi ra ngoài, vỏ máy bằng gỗ (thay vì bằng nhựa như máy đang có trên thị trường), giữ nhiệt giúp thời gian hơ được lâu hơn, điểm thoát khói tập trung nên hơi nóng và lượng dược chất vào một huyệt đạo tốt hơn. Máy hơ ngải cứu TCS là sản phẩm thành công đầu tiên của Lộc và nhóm cộng sự, bán giá 1,6 triệu đồng, được khách hàng đón nhận.
Có máy hơ ngải cứu rồi, công việc nghiên cứu viên, nhang ngải cứu thuận lợi hơn nhiều. Đốt thử nhang ngải cứu đang bán trên thị trường, Lộc cảm nhận khói bốc ra không rõ mùi, thậm chí có loại còn có mùi khó chịu. Tìm hiểu cách làm của người khác, Lộc nhận ra các loại nhang ngải cứu đó có keo kết dính, đó là nguyên nhân gây mùi khói khó chịu.
Nhang nguyên chất ngải cứu giữ được màu xanh diệp lục là tiêu chuẩn Lộc và nhóm cộng sự đặt mục tiêu phải làm cho được. Sau nhiều lần thất bại, nhóm đã thành công. Đưa một số người dùng thử, ai cũng cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của ngải cứu, nhang ngải cứu có độ nóng cao, dễ dàng thấm sâu vào huyệt đạo.
Năm 2016, Hà Văn Lộc và nhóm cộng sự tự tin giới thiệu cho nhiều người dùng hai loại nhang nguyên chất ngải cứu: loại viên ngắn dùng cho máy hơ ngải cứu TCS (dùng được cho cả các loại máy khác) và loại dài cầm tay hơ theo cách truyền thống.
Tự tin mình đã làm đúng những gì chưa đúng của loại sản phẩm từng có trên thị trường, Lộc đem máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu tham gia cuộc thi Nhà sáng tạo xuất sắc nhất (Best Innovator Award) năm 2016. Đây là cuộc thi do Chương trình Praxispartnership của Đại học Leipzig (Đức) phối hợp với Đại học Việt Đức và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM tổ chức dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân và nhóm khởi nghiệp.
Vượt qua 30 đội dự thi, máy hơ ngải cứu và viên ngải cứu TCS của Hà Văn Lộc giành giải nhất. Phần thưởng 20 triệu đồng không lớn nhưng giá trị lớn nhất là Lộc đã có được "bảo chứng" khẳng định chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm của Lộc còn được các chuyên gia Đức hỗ trợ quảng bá tại thị trường Đức và được người dùng Đức đánh giá cao. Từ đó giúp nhóm tham khảo nhu cầu từ thị trường châu Âu để có kế hoạch tiếp cận, nhưng trước mắt, từ các tín hiệu tích cực đó, nhóm quyết định thương mại hóa ngay sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Niềm vui tiếp tục đến khi sau cuộc thi, Lộc được Trung tâm Ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ đất trồng ngải cứu sạch, được tạo điều kiện về máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm để nghiên cứu sản phẩm mới, được các chuyên gia giỏi hướng dẫn.
Chương trình Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã dành 700 triệu đồng cho Công ty TNHH Sài Gòn TCS của Lộc. Tất cả hỗ trợ đó đã tiếp động lực cho TCS trong năm 2017 đưa ra thị trường thêm hai sản phẩm mới là nhang hỗ trợ điều trị, phòng ngừa viêm xoang và tinh dầu giả hương sả chanh.
Bước vào một lĩnh vực không được cho là "dễ ăn", nên dẫu "ngõ hẹp" nhưng không nhiều người đi nên vẫn rộng lối bước tới. Lộc cho biết hiện mỗi tháng TCS bán được hơn 1.000 hộp viên ngải cứu. Nhưng theo tính toán của Lộc, TCS hiện mới đạt khoảng 5% thị phần viên ngải cứu.
Một thị trường lớn mà Lộc đang hướng tới là các bệnh viện y học cổ truyền và hàng ngàn phòng khám đông y ở các tỉnh, thành, nhưng vấp phải khó khăn là đưa sản phẩm đi xin chứng nhận "sản phẩm an toàn cho sức khỏe" thì được cho biết là tiêu chuẩn Việt Nam chưa có qui định về khói nên không cơ quan nào kiểm định.
Lộc chia sẻ: "Nếu trong nước không làm được thì ra nước ngoài kiểm nghiệm. Tốn kém nhưng phải làm để công bố chất lượng sản phẩm có cơ sở khoa học rõ ràng, như vậy mới thuyết phục được các cơ sở y tế và người tiêu dùng về lâu dài".
Xà bông Cocosavon tham gia hội chợ
Nuôi nghiệp nhờ lòng tốt của khách hàng
Dám nghĩ, dám làm là tố chất cần có của người khởi nghiệp. Thất bại ba lần bốn lượt vẫn còn đủ ý chí khởi nghiệp. Đó là chuyện của chàng trai 8X (sinh năm 1986) Nguyễn Trung Đức - người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Cô Ba.
Đang làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, năm 2010, thấy dầu dừa trắng do nhiều cơ sở sản xuất được ưa chuộng vì có thể dùng làm thực phẩm, mỹ phẩm, Đức bỏ việc, đi phân phối dầu dừa, nhưng công việc không bền.
Tình cờ nói chuyện với vài thương nhân nước ngoài làm việc lâu năm trong lĩnh vực quà tặng và hàng tiêu dùng tại Việt Nam, một người Nhật đặt vấn đề với Đức sản xuất loại xà bông mang thương hiệu và hồn quê Việt Nam.
Từ đó, Đức ấp ủ sản xuất mẫu xà bông thảo mộc sử dụng nguyên liệu tự nhiên có ở các miền quê Việt Nam, như dầu dừa, dầu tràm, dầu quế, bột chùm ngây, bột nghệ, cám gạo, rau má, nhàu, khách hàng dùng cảm thấy không chỉ sạch, an toàn mà còn tốt cho da, và quan trọng là nhận được cả giá trị vật chất xứng đáng lẫn giá trị văn hóa như một món quà trong mỗi bánh xà bông.
Năm 2013, Đức tìm hiểu cách làm xà bông trong, loại bỏ chất hại da, thêm vào thảo mộc tự nhiên. Công thức tưởng đơn giản nhưng bắt tay vào làm thì trầy trật "lên bờ xuống ruộng".
Đức đặt máy nhỏ làm thử nghiệm cả chục lần, mỗi lần cho ra khoảng 5 kg xà bông thương hiệu Cocosavon. Nâng niu từng bánh xà bông thành phẩm trong suốt, cứng cáp, đặc biệt không bị vữa nhanh khi gặp nước, Đức liền mang đi chào hàng. Một nữ khách hàng chuyên phân phối hàng tiêu dùng nói với Đức: "Xà bông này nên bán theo dạng hàng cao cấp, quà tặng ở các shop, spa, hay các khu du lịch, trung tâm thương mại" và cô đặt 10.000 bánh chuyển ra Hà Nội.
Đức vui khôn xiết, đặt máy lớn để làm khối lượng nhiều, nhưng không ngờ kết quả sản phẩm không giống như làm thử nghiệm, dù áp dụng đúng công thức. Ra đến Hà Nội thì xà bông chảy hết. Hàng bị trả về, mất cả vốn. Phân tích lại cách sản xuất, Đức hiểu ra, sản xuất khối lượng nhỏ dễ kiểm soát nhiệt độ nên xà bông đạt độ cứng, bền. Điều động viên Đức lúc đó là cô khách hàng không bỏ, ngược lại khuyến khích Đức làm lại.
Cảm kích trước tấm lòng ấy, Đức quyết tâm làm lại nhưng lúng túng chưa biết kiểm soát thời gian đông cứng xà bông khi sản xuất số lượng lớn. Không tự giải thích được mình sai chỗ nào, Đức mang xà bông đến Trường Đại học Bách khoa gặp một giảng viên hóa nhờ giúp đỡ và sẵn sàng trả tiền.
Giảng viên này yêu cầu Đức cho xem công thức sản xuất xà bông, hẹn sẽ trả lời. Lần sau đến, vị giảng viên ấy không tư vấn mà tỏ ý thích thú công thức sản xuất xà bông của Đức và dự định tự làm. Đức mất niềm tin, không dám hỏi ai nữa, tự mày mò khắc phục!
Trong thời gian sửa sai, Đức chưa dám giới thiệu sản phẩm cho khách hàng mới, mà vẫn trông cậy vị khách hàng khó tính nhưng tử tế kia, nhờ cô tiếp tục là người thẩm định chất lượng. Thấy sự chân thành của Đức, cô khách hàng kiên nhẫn đặt hàng sau mỗi lần Đức sửa sai với điều kiện sản phẩm chưa hoàn chỉnh thì trả về.
Hơn một năm xà bông bị trả về do hai lần mềm, hai lần nhão, hai lần do đóng gói bao bì không kỹ, một lần xà bông thôi màu. Trả giá cho sự làm sai trong hơn một năm, chi phí không thể đo lường vì với người khác nó không là số tiền lớn, nhưng với Đức vốn liếng chắt chiu để khởi nghiệp là cả gia tài.
Đến nay, Đức đã hoàn thiện chất lượng xà bông thảo mộc, có 5 nhà phân phối trong nước, bán hàng bằng thương hiệu Cocosavon, còn khách hàng gia công nhiều hơn, phần lớn làm hàng xuất khẩu và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Cô Ba cũng có riêng vài khách hàng nước ngoài. Nhưng đối với Đức, cô khách hàng đầu tiên là một người ơn trong bước đầu lập nghiệp đầy khó khăn.
Bám đúng định hướng, xà bông Cocosavon gói cả giá trị vật chất lẫn giá trị văn hóa như một món quà, Đức đưa khung cảnh đậm chất dân gian Việt Nam lên vỏ hộp gắn với nguyên liệu đặc trưng từng vùng miền, như nông dân hái trà ở Bảo Lộc, hái nhàu ở Nam bộ, cô gái vườn dừa Bến Tre, hoa hoàng lan ở phố cổ Hà Nội...
Xà bông Cocosavon có mặt trong các gian hàng quà tặng ở các shop, spa, các khu du lịch, trung tâm thương mại, đã theo khách du lịch đi khắp nơi.
Đã có được thành công bước đầu, đặt tâm huyết cho giai đoạn phát triển tới, Đức bộc bạch, lý do đặt tên Công ty là Cô Ba vì rất yêu quý thương hiệu xà bông Cô Ba nổi tiếng trước kia ở Sài Gòn.
Không dùng hình ảnh hay thương hiệu Cô Ba trên sản phẩm, tên Cô Ba chỉ là cách Đức tự nhắn nhủ mình cố gắng xây dựng một thương hiệu xà bông Việt Nam uy tín, nổi tiếng theo xu hướng mới: xà bông thảo mộc, xà bông là sản phẩm dưỡng da, làm đẹp.
Nguồn: DNSG