Theo ông Vũ, trong giai đoạn mới, Trung Nguyên cần một chiến lược phát triển mới. Chiến lược này bà Thảo không hiểu được, "không phải nền tâm thức của một con buôn mà đi làm việc được".
Phiên toà xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên không chỉ gây chú ý vì những tranh cãi đầy mệt mỏi và nước mắt mà còn bởi mâu thuẫn trong việc phân chia khối tài sản chung có tổng trị giá đến 8.400 tỷ đồng (bao gồm bất động sản, tiền mặt và cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên).
Một trong những điểm được nhiều người đồng ý khi theo dõi phiên toà này là sự khác biệt giữa đường hướng kinh doanh của hai vợ chồng ông chủ Trung Nguyên. Trong một đoạn video ghi lại gần đây, những gì ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ đầy mạnh mẽ trong suốt hơn 4 phút đồng hồ tại phiên toà ngày 20/2 đã cho thấy rõ điều đó.
Ông nói: "20 năm nay Trung Nguyên không còn tính mới, giai đoạn này phải xác định là giai đoạn đầu tư, không còn là giai đoạn khai thác thương hiệu nữa. Nếu có kiến thức kinh tế mình hiểu ngay điều này, giai đoạn này là giai đoạn đầu tư, không phải khai thác, nó khác nhau nhiều lắm".
Dưới sự lý giải của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, giai đoạn đầu tư đồng nghĩa với việc Trung Nguyên phải tái cấu trúc, đưa về một hệ quy chiếu khác biệt, đặc biệt và duy nhất. "Nghĩa rằng phải đi tới nhà máy, thay đổi công nghệ, đào luyện lại luôn con người bên ngoài và bên trong, thay đổi luôn công nghệ, xử lý lại nguyên liệu luôn. Nó tới mức như vậy đấy".
Riêng về mặt nguyên tắc thực hiện, ông Vũ khẳng định cần tới sự thông minh, việc đầu tư tiền bạc giai đoạn này cần "có trí mới hiểu được".
"Thông thường trong giai đoạn này thì 10% doanh thu dự kiến được đẩy về marketing. Nếu doanh thu là 500 tỷ, 1.000 tỷ hoặc như hiện nay dự kiến là 5.000 tỷ, thì nghĩa rằng được phép trích ra 10%, 15%, như vậy là 500 tỷ, để dùng vào việc khác. Thay vào việc chiết khẩu theo kiểu buôn bán bình thường thì dùng vào việc gián tiếp hơn".
"Như xe cộ vẫn còn đó phải không, đâu có thay đổi gì. Xe cộ mua vẫn còn đó, vẫn còn 500 tỷ 700 tỷ, 1.000 tỷ, vẫn còn tài sản ở đó hết, không mất đi đâu. Cái đó là sự thông minh, trí tuệ. Chứ không phải làm chiết khấu hết, sự kiện hết là thôi, là biến mất".
Tiếp đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắn gửi mạnh mẽ tới vợ: "Còn muốn có tiền thì lui ra để tôi đưa Trung Nguyên đúng cái tầm nhìn của nó đã hoạch định gần 10 năm về trước: Một học thuyết cà phê, một Trung Nguyên cà phê triết đạo".
Ông cho biết Trung Nguyên cà phê triết đạo thực chất là một quyển ghi lịch sử cà phê từ khi mới hình thành, có ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống hằng ngày. Trên cái nền đó, Trung Nguyên mới hoạch định để tạo ra sự khác biệt, đặc biệt và duy nhất nhằm đi xa trên toàn cầu.
"Cái đó cô không có hiểu. Muốn làm những chuyện đó phải có 2 cái nền: Một là nền tảng trí, hai là nền tảng tâm. Không phải nền tâm thức của một con buôn mà đi làm việc được, không thể thực hiện sách lược như vậy trên tâm thức như vậy", ông nhắn nhủ tới vợ.
"Cái đó (Trung Nguyên cà phê đạo - PV) hình thành gần chục năm rồi chứ không phải không. Sao nó không vào cuộc sống được? Trung Nguyên bây giờ không có cái hay?", ông Vũ tiếp tục chất vấn vợ.
"Tôi nói cô hãy lui về đi nhưng cô đâu có chịu, từ đó chế ra đủ thứ chuyện, rồi phá nát hết tất cả mọi thứ như vậy. Không ai ngỗ ngược, không ai nói ngược ngạo như vậy hết. Ở đây không ai giành chia cái gì hết", ông khẳng định.
Cũng theo chủ tịch Đăng Lê Nguyên Vũ, bản chất Trung Nguyên từ xưa đến nay luôn có trách nhiệm xã hội đi kèm với việc phát triển thương hiệu. Các nhóm doanh nghiệp trẻ bây giờ, hình thành, dựng xây cũng do Trung Nguyên chính là người tiên phong, khởi xướng, thúc đẩy.
"Vì sao? Một người có tầm sẽ hiếu kinh tế bản chất là kinh bang tế thế. Mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình gián tiếp một chút để mua dịch vụ, sản phẩm của mình. Chứ không phải mình khuyến mãi, thúc đẩy trước mắt hết đợt này đến đợt khác, không phải như vậy".
"Những chương trình như vậy đòi hỏi mình phải liên thông qua nhiều kiến thức. Nó gián tiếp nhưng nó bền, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn hàng đầu về cà phê trên thế giới vào Việt Nam. Cái đó cần có nền tảng", ông khẳng định.
Suốt hơn 4 phút ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về triết lý kinh doanh, phủ nhận và chỉ trích cách làm việc của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ lặng im, không đưa ra ý kiến gì.
Theo: Trí thức trẻ