Vốn lưu động là gì? Case Study về quản trị vốn lưu động

Vốn lưu động là gì? Case Study về quản trị vốn lưu động

Vốn lưu động là gì?

Vốn lưu động là tất cả tài sản ngắn hạn, bao gồm: các khoản tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, đầu tư tài chính ngắn hạn, phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác [i]. Các khoản này được thể hiện trên bảng cân đối kế toán.

Vốn lưu động (cách gọi khác là tài sản lưu động) là cần thiết, nhưng việc nắm giữ chúng sẽ phát sinh chi phí. Vì vậy nếu một công ty có thể giảm vốn lưu động mà không tổn hại đến doanh thu, điều này sẽ làm gia tăng khả năng sinh lời.

Ghi chú: Có khá nhiều sách nhầm lẫn về vốn lưu động và nhu cầu vốn lưu động. Để hiểu rõ hơn thuật ngữ này, Blog Tôi Đầu Tư mời bạn đọc xem nguồn gốc và các thuật ngữ liên quan bên dưới theo Eugene F. Brigham & Joel F. Houston (1992).

Nguồn gốc thuật ngữ Vốn lưu động

Thuật ngữ vốn lưu động bắt nguồn từ những người Mỹ bán hàng rong xưa, những người này bốc hàng hoá lên xe ngựa và sau đó đi bán rong lượng hàng hoá này.

Người buôn hàng xưa
Người buôn hàng xưa

Hàng hóa được gọi là vốn lưu động vì chủ nhân muốn bán nó hoặc quay vòng để tạo ra lợi nhuận.

Lúc này, cái xe và con ngựa tương đương với tài sản cố định. Những người bán hàng rong đó thường sở hữu ngựa, xe và được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu. Đồng thời họ mua hàng hoá bằng việc thiếu nợ người bán hoặc bằng tiền vay ngân hàng.

Những khoản vay này được gọi là vay cho vốn lưu động và họ sẽ hoàn trả sau mỗi hành trình để chứng minh với người cho vay rằng khoản tín dụng (khoản vay) đó có thể trả được.

Mỗi lần người bán hàng rong trả nợ vay, anh ta có thể nhận được một khoản vay khác.

Dĩ nhiên, người bán hàng rong càng có nhiều chuyến hàng mỗi năm, vòng quay vốn lưu động của người này càng nhanh và lợi nhuận càng lớn.

Khái niệm này vẫn tiếp tục được áp dụng ở những doanh nghiệp hiện đại.

Các thuật ngữ liên quan

Nhu cầu Vốn lưu động (hay vốn lưu động thuần) được tính bằng hiệu số giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn.

Nhu cầu vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

Vốn lưu động hoạt động thuần được tính bằng hiệu số giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn không phải trả lãi (khoản phải trả nhà cung cấp và phải trả khác.

Vốn lưu động hoạt động thuần = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn không trả lãi

Vòng quay tiền hay chu kỳ luân chuyển tiền (CCC) là khoản thời gian các nguồn vốn được đầu tư vào vốn lưu động, hoặc khoản thời gian giữa việc thanh toán tiền vốn lưu động và thu tiền bán hàng từ vốn lưu động. Chúng ta sẽ bàn về CCC tại một bài viết khác.

Case Study: Việc quản trị vốn lưu động thành công của Best Buy

Công ty Best Buy là công ty bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Bắc Mỹ, điều hành các cửa hàng Best Buy và Musicland. Giá cổ phiếu của công ty và tháng 6 năm 2005 là $67, tăng từ $20 của 3 năm trước đó. Thành công này bắt nguồn từ việc hoạt động tài chính và điều hành đúng đắn, đặc biệt là quản trị vốn lưu động của công ty.

Best Buy

Quản lý vốn lưu động bao gồm việc tìm ra mức độ tối ưu cho tiền mặt, chứng khoán sẵn sàng để bán, các khoản phải thu, hàng tồn kho và sau đó tài trợ cho những tài sản bằng cách ít tốn chi phí nhất.

Hầu hết các khách hàng của Best Buy dùng thẻ tín dụng, không thanh toán bằng tiền mặt và phát sinh khoản phải thu. Vì vậy chính sách vốn lưu động của công ty này tập trung vào hàng tồn kho.

Để duy trì doanh thu, các cửa hàng phải đủ lượng hàng hoá khách hàng cần. Điều này kéo theo việc xác định cần chuẩn bị hàng tồn kho nào, bao nhiêu vào những thời điểm nhất định với chi phí thấp nhất, sau đó phân phối chúng đến hệ thống các cửa hàng một cách kịp thời.

Sự đổi mới gây ấn tượng trong công nghệ thông tin đã làm thay đổi công thức quản trị hàng tồn kho của Best Buy. Hiện tại công ty thu thập dữ liệu thực tế từ mỗi cửa hàng về việc mỗi sản phẩm được bán ra như thế nào, và các máy tính của nó đặt lệnh tự động để duy trì đầy đủ hàng hoá.

Hơn nữa, nếu doanh thu của một mặt hàng nào đó có vấn đề, giá cả sẽ được hạ xuống để giảm tồn kho của mặt hàng này ngay lập tức và sự giảm giá nhanh chóng luôn được xem là cần thiết những lúc như thế này.

Ghi chú: bạn đọc có thể tìm hiểu về trường hợp ứng dụng công nghệ của một công ty tương tự ở Việt Nam là Thế Giới Di Động, mã cổ phiếu MWG.

Về việc quản lý hàng tồn kho của MWG: hệ thống phần mềm ERP bao gồm việc nhập hàng theo đơn/lệnh chuyển, in bảng dán, cấu hình các dòng điện thoại… Khi một cửa hàng trong hệ thống hết hàng, phần mềm sẽ tự động nhận diện kho nào còn model điện thoại đó để bán cho khách. Hệ thống còn có thể theo dõi việc giao nhận để làm sao hàng không thừa, không thiếu và tính toán được từng linh kiện trong điện thoại còn hay hết để nhập hàng vừa đủ…

Nguồn: toidautu

About Author

Dark Swan
Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com