“Hiện nay, các doanh nghiệp đang bị tác động rất lớn trước những biến động phức tạp của nền kinh tế, lạm phát, giá cả gia tăng... Bản thân doanh nghiệp không thể giải quyết bài toán cho riêng mình mà cần có sự đồng tâm hiệp lực của nhiều doanh nghiệp theo xu hướng liên kết tạo sức mạnh để cùng phát triển. Đây lại là hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam”.
GS-TS. Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế phát triển (IDR) nhận định như vậy tại Hội thảo “Kết nối CEO”, tổ chức ngày 6/7/2008 tại Tp.HCM.Hội thảo đã bàn bạc những vấn đề rất cụ thể, sát thực tế để có những giải pháp cho việc xây dựng tầm nhìn lãnh đạo, cải thiện năng lực điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Hội thảo cũng đi sâu phân tích và tìm ra những giải pháp cụ thể để “kết nối CEO”, kết nối doanh nghiệp. Tại Hội thảo cũng đã ra mắt lần đầu tiên Câu lạc bộ CEO Việt và Ban chủ nhiệm lâm thời CEO Việt.
CEO có quyền được... trao quyền
Làm thế nào để nâng cao nội lực cho các doanh nghiệp Việt Nam? Tổng giám đốc Stellar Management, Giám đốc Chương trình cao học quản trị kinh doanh Đại học Hawaii, Mỹ, GS. Augustine Hà Tôn Vinh, nhấn mạnh: “Điều quan trọng hơn hết là các doanh nghiệp phải xác định chiến lược phát triển kinh doanh của mình. CEO có thể vừa là chủ doanh nghiệp, có thể là đồng sở hữu chủ doanh nghiệp và có thể là người làm thuê.Nếu là sở hữu chủ phải tự đề ra và kiểm soát chính sách phát triển của doanh nghiệp. Nếu là đồng sở hữu phải cùng tham gia điều hành còn nếu CEO làm thuê phải có những kế hoạch phát triển từng giai đoạn cụ thể và có những đóng góp tích cực nhất cho doanh nghiệp, cho chủ thuê mình. Có như vậy mới có thể hoàn thành sứ mạng của một CEO”.
Đặt ra vấn đề trao quyền cho CEO, theo nhiều diễn giả, vì hiện nay phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào về quản trị, cung cách quản lý còn mang nặng tính gia đình, quan hệ giữa các đồng sự hay giữa đồng sự với chủ doanh nghiệp còn theo kiểu “chú sáu, chị ba”...Đây là thực trạng phổ biến, do đó khi đi thuê CEO, tâm lý chung của các chủ doanh nghiệp là cảm thấy “bị mất” quyền lực, vì vậy cảm thấy bị mất dần quyền lợi, nảy sinh tâm lý e ngại tuyển dụng hay giao việc cho CEO.Chia sẻ về vấn đề này, GS-TS. Hồ Đức Hùng, nêu quan điểm: “Phải xác định doanh nghiệp cần ở CEO những vấn đề cốt lõi nào. Đó là một CEO thực sự có tài, bởi chỉ có tài mới trở thành đầu tàu lôi kéo mọi người vào việc thực hiện mục tiêu chung. Thứ đến, doanh nghiệp cần ở CEO sự trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng chịu đựng và thích nghi trước mọi thay đổi, biết kết hợp quyền lực và tài năng của mình để điều hành và quản lý”.
Phác thảo chân dung CEO Việt Nam
Có một thực tế là CEO nào cũng muốn thành công, nhưng thử hỏi có bao nhiêu CEO thực sự thành công? Thực tiễn cho thấy sẽ không bao giờ có một công thức áp dụng chung cho mọi CEO ở tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào mục tiêu dài hạn, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, sự mong đợi của nhà đầu tư, khách hàng và toàn thể CBCNV trong công ty, một CEO có thể thành công.“CEO thành công không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà là tối đa giá trị dài hạn cho cổ đông, nghĩa là CEO tạo ra và thâu tóm giá trị khách hàng một cách hiệu quả, và không bao giờ bằng lòng với giá trị mình tạo ra”. Ông Đỗ Thành Tâm, Chủ tịch kiêm GĐ Cty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win đã khẳng định như vậy.
Theo ông Tâm, 2 tố chất quyết định mà một CEO phải làm được, đó là xây dựng và duy trì một mô hình kinh doanh thành công và xây dựng một tổ chức thật sự hiểu mình.Ông Tâm cho biết thêm: “Để đánh giá được mô hình kinh doanh, CEO cần xem mô hình mình đang nhắm tới phân đoạn thị trường hấp dẫn, sẽ tạo ra giá trị nếu phục vụ chúng, quy mô giá trị này là đáng kể. CEO phải đặt mình vào vị trí khách hàng để suy nghĩ và hành động”. Một chuyên gia khác nhận định là CEO cần phải có tham vọng cá nhân, nhưng tham vọng cá nhân ở đây là làm sao cho doanh nghiệp sinh lợi nhiều mà đúng với luật pháp nhà nước, chứ không phải chăm chăm nhìn vào tài khoản tháng này của mình tăng bao nhiêu.
Thời gian vừa qua, không ít CEO có tài, có tâm đã “dẫn dắt” doanh nghiệp mình phụ trách đi đến thành công. Trường hợp của Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (GSG) là một trong những ví dụ điển hình.GSG đã được các quỹ đầu tư đánh giá cao Chủ tịch GSG Cao Tiến Vị, do ông đã lãnh đạo công ty trong suốt hơn 10 năm qua và đã làm cho GSG là Cty có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành (56%/năm cho 6 năm qua) và đưa GSG trở thành Cty giấy hàng đầu tại Việt Nam.CEO đã có nhiều năm làm quản lý cao cấp, kinh qua nhiều phòng ban khác nhau tại nhiều cty đa quốc gia thành công như Uniliver, Coca-Cola, Scancom, VMEP và được đào tạo bài bản (MBA) từ nhiều trường đại học tên tuổi trên thế giới.
Theo: vneconomy.vn