Nếu một ngày cấp dưới bạn đột ngột xin nghỉ, đặc biệt đó lại là một nhân viên giỏi, bạn sẽ làm gì? Tìm cách để thuyết phục họ ở lại hay để họ ra đi, đâu mới là “chiến lược” đúng đắn mà các nhà quản lý sáng suốt nên làm?
Trưởng phòng nhân sự của một công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm chuyên nghiệp cho biết, việc “giữ” hay để nhân viên tìm môi trường mới còn phụ thuộc nhiều yếu tố, vì thế, tùy vào từng tình huống mà nhà quản lý nên linh hoạt sắp xếp sao cho hợp lý.
1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến nhân viên xin nghỉ
Hãy chủ động tìm hiểu nguyên nhân để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Bạn có thể sắp xếp một cuộc trò chuyện thân mật để dễ dàng tìm hiểu lý do chính khiến họ quyết định nghỉ việc.
Bạn nên nhớ, không biến buổi nói chuyện thành buổi chất vấn, hãy thể hiện sự quan tâm chân thành, chia sẻ như một người bạn, người anh, người chị đi trước, làm sao để nhân viên cảm thấy thoải mái và thành thật chia sẻ những suy nghĩ cũng như lý do không muốn tiếp tục gắn bó.
2. Đưa ra phương án giải quyết phù hợp
Sau khi đã tìm hiểu được lý do bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng. Tùy vào từng tình huống mà bạn lựa chọn phương án giải quyết phù hợp để cả đôi bên đều cảm thấy vui vẻ nhất. Cụ thể:
+ Nếu nguyên nhân là do mức lương, chính sách hoặc vị trí chưa phù hợp… bạn có thể suy nghĩ và xem xét lại, sau đó trao đổi và thỏa thuận lại với nhân viên về chính sách phúc lợi mới cũng như cơ hội thăng tiến trong tương lai. Ngược lại, thay vì khó chịu, bạn hãy cảm ơn sự đóng góp của nhân viên với công ty và vui vẻ để họ ra đi tìm môi trường làm việc mới.
+ Trong trường hợp lý do xuất phát từ các vấn đề công việc, môi trường công sở như: công việc quá áp lực, mâu thuẫn với đồng nghiệp… nhà quản lý cũng cần xem xét giải quyết, tạo điều kiện giúp đỡ nhân viên để có cơ hội tiếp tục làm việc và cống hiến cho công ty. Nếu đó là các lý do riêng tư như: muốn học thêm, muốn tìm cơ hội nghề nghiệp mới… thì bạn cũng không nên cố gắng giữ lại.
Tóm lại, tùy vào từng vấn đề cụ thể mà nhà quản lý và nhân viên cùng thảo luận để tìm ra phương án giải quyết linh hoạt.
3. Lên chiến lược tuyển dụng
Mặc dù, giữ chân nhân tài là điều cần thiết, song nhà quản lý cũng không nên vì thế mà cố gắng thuyết phục họ ở lại, bởi một khi họ đã không còn “thiết tha” với công ty thì cũng khó lòng có thể cống hiến hết mình trong công việc. Thay vì cốgiữ bạn hãy để họ ra đi một cách thoải mái nhất và lập ngay kế hoạch tuyển dụng nhân viên thay thế để đảm bảo ổn định tiến độ công việc của phòng ban.
Để có thể tuyển dụng được người tài một cách nhanh chóng, bạn nên tiến hành mở rộng tuyển dụng trên nhiều kênh khác nhau. Ngoài các kênh tuyển dụng chính là trang web tuyển dụng uy tín, bạn cũng có thể kết hợp đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội.
4. Sắp xếp lại công việc phòng ban cho phù hợp
Song song với việc tuyển dụng bạn cũng cần sắp xếp lại công việc phòng ban cho phù hợp, để đảm bảo công việc không bị đình trệ. Cụ thể, bạn nên phân một người quản lý tạm thời nếu nhân viên xin nghỉ thuộc nhóm leader để đảm bảo mọi hoạt động, công việc trong phòng vẫn được hoạt động đúng theo quy trình và giúp thành viên khác trong phòng ban không cảm thấy “hoang mang”.
Có thể giao những dự án, khách hàng của nhân viên mới nghỉ việc cho các thành viên khác trong cùng đội để đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, bạn cần chú ý san sẻ công việc đồng đều giữa mọi người và vừa sức để nhân viên không cảm thấy bị “quá tải”.
5. Trấn an tinh thần mọi người
Sự ra đi của một nhân viên giỏi, nhân viên kỳ cựu có thể sẽ khiến mọi người trong team cảm thấy mất tinh thần. Vì thế, bạn cần khéo léo trấn an tinh thần các thành viên và đừng ngại chia sẻ với cấp dưới về các dự án phát triển, mở rộng thị trường của công ty, các kế hoạch mục tiêu phát triển phòng ban cũng như các kế hoạch đào tạo và thăng tiến cho các nhân viên lâu lắm gắn bó lâu dài với đơn vị…
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp tổ chức các hoạt đông vui chơi giải trí sau giờ làm, team building… để giúp nhân viên của mình bớt căng thẳng, nhanh chóng lấy lại tinh thần làm việc và thêm gắn kết. Công ty cần có những chính sách chăm sóc tốt cho đời sống công nhân viên để họ luôn cảm thấy mình luôn được coi trọng và sẵn sàng cống hiến.
Một nhà quản lý giỏi là người biết nhìn xa trông rộng và linh hoạt trong cách xử lý, cho dù nhân viên có còn tiếp tục làm việc hay không thì họ cũng luôn có những ấn tượng tốt đẹp về bạn cũng như công ty.
Nguồn: timviecnhanh