"Chọn mặt gửi vàng" khi quyết định hợp tác và góp vốn!"

"Chọn mặt gửi vàng" khi quyết định hợp tác và góp vốn!"

TÌNH HUỐNG: Em cùng 2 người bạn nữa cùng đầu tư mở quán café, mỗi người góp 50 triệu. Em máu nhất nên làm mọi thứ. Công việc thuê nhà set up quán tiến hành. Tuy nhiên trong quá trình đó thì một bạn xuống vốn chậm, bảo không đủ tiền, sẽ đóng sau. Quán mở ra khai trương, chạy không được như kỳ vọng. Bạn đó báo là không xắp xếp được tài chính và sẽ không góp vốn. Người bạn còn lại thì không góp sức được gì, chỉ mỗi mình em làm và giờ bạn ý muốn rút vốn. Quán đã chạy được 6 tháng nhưng giờ chỉ lãi 2 triệu/tháng. Em tính mua lại cổ phần của bạn còn lại nhưng nếu thế thì sẽ phải vay lãi. Và 50 triệu tiền lãi vay thì tiền lãi 2 triệu/tháng của quán không đủ bù… Em cảm thấy bất lực và không biết làm thế nào?”

Mình tham gia góp vốn cùng khá nhiều dự án. Thất bại có, thành công có. Những ai đã từng làm chung, góp vốn chung chắc đều đã vướng phải các trường hợp như: 1. Cam kết xuống vốn có vấn đề 2. Lúc đầu vui, sau này mới thấy mình chọn sai người. 3. Sự tị nạnh về công việc giữa những người góp vốn, so kè ai làm nhiều ai làm ít 4. Đang làm muốn rút vốn 5. Sau một thời gian làm thì lệch nhau về định hướng và tranh cãi, vân vân và mây mây, rất nhiều vấn đề phát sinh. Điều này khiến rất nhiều người e ngại sự chung đụng, tâm lý làm một mình cho khỏe. Tuy nhiên nó cũng tạo thành một vấn đề khác, bởi đi một mình thì rất lâu lớn. Cuối cùng thì sao?

Đây là một vài chia sẻ và kinh nghiệm cá nhân

1.LỰA CHỌN ĐÚNG NGƯỜI RẤT QUAN TRỌNG

Có mấy nhóm mà chúng ta có thể rủ vào chung cùng một dự án:

1.1.Người đã có kinh nghiệm, có khả năng tư vấn và có mối quan hệ trong ngành

Lợi: Những người này sẽ giúp cho doanh nghiệp đi nhanh hơn và tránh được những cú vấp và rủi ro cần thiết

Hại: Những người này thường không sẵn sàng về một doanh nghiệp mới. Mà kể cả họ có chịu về thì cũng chưa chắc đã hiệu quả vì start-up sẽ khó có thể chịu được mức lương của họ. Chưa kể là họ làm quy mô công ty lớn, kỹ năng đó áp vào công ty khởi nghiệp chưa chắc đã hiệu quả.

Tốt nhất: Kêu gọi góp vốn & có 1 quỹ thời gian tư vấn, ví dụ 2 buổi/tuần offline là đẹp. Công ty lớn lên, quy mô ngon nghẻ thì lúc đó tính mời về làm sau

1.2.Người có tiền nhàn rỗi

Nhiều người khi gọi vốn rất hay theo kiểu “không coi trọng tiền”, kiểu “tôi cần người làm là chính” v.v… Tiền thực ra chính là người làm chứ là gì nữa. Có tiền thì thuê được người làm tốt. Người làm tốt chưa chắc gì đã có tiền mà góp vốn. Thế nên nếu gọi vốn thì cứ sòng phẳng ra: Em cần TIỀN. Nhà đầu tư có TIỀN thì chưa chắc đã có SỨC, mà có SỨC thì chưa chắc họ đã dành SỨC đó cho bạn. Thế nên có được TIỀN là quý rồi, tự mình gắng sức mà cày. Và hãy trân trọng họ, chịu ơn họ, vì họ dám bỏ tiền ra cho mình thực hiện ước mơ

1.3.Người chỉ góp sức

Có những nhân sự cần thiết nhưng không có tiền vốn góp hoặc không muốn góp vốn luôn mà chờ xem ông này làm ăn ra sao rồi mới xuống tiền sau, kiểu thế. Trường hợp này thì ok, hợp tác được thì hợp tác. Và khi hợp tác thì hãy cứ nói thẳng: Đoạn đầu khi chưa góp vốn thì bạn là nhân viên, làm việc phải đàng hoàng. Khi nào góp vốn rồi thì vừa là nhân viên, vừa là cổ đông. Tránh trường hợp tiền chưa xuống mà hành xử như ông chủ, rất mệt mỏi.

Điểm quan trọng là người chủ lead dự án phải có khả năng tự làm cho doanh nghiệp chạy được mà KHÔNG CẦN sự góp sức của các cổ đông khác. Nhiều người quá dựa vào lời hứa về sự góp sức của cổ đông mà sau đó không tiến hành được và thành ra oán trách các cổ đông là tại sao ông không gánh đỡ tôi lúc nọ lúc kia và cuối cùng là mâu thuẫn. Tốt nhất là hãy chuẩn bị năng lực để mình có thể triển khai được mọi thứ. Các sự giúp đỡ khác là nguồn lực cộng thêm mà thôi

Lựa chọn đúng người đi cùng ngay từ ban đầu sẽ giúp mình đỡ được rất nhiều những tranh cãi nhức đầu sau này…

2.TIỀN TIỀN NONG NONG PHẢI CHUẨN CHỈNH

Khi mọi người xuống vốn, nên có 1. Hợp đồng góp vốn (kể cả lúc đó đã thành lập công ty hay chưa thì vẫn cần phải có giấy tờ này)

2.1.CỌC GÓP VỐN

Trong Hợp đồng góp vốn, nên có điều khoản CỌC GÓP VỐN

Ví dụ: Dự án chạy là 1,5 tỷ - 3 cổ đông – Mỗi người góp vốn 500 triệu

Cọc xuống vốn: 100 triệu/người

Sau 1 tháng (hoặc tìm được nhà thuê): xuống tiếp 300 triệu

Sau 3 tháng: Hoàn thành nốt 100 triệu

Tiền Cọc góp vốn 100 triệu/người dùng để cho các chi phí ban đầu: Môi giới đi tìm nhà, anh em café đi mời người nọ người kia góp ý cho dự án, trả tiền phí tư vấn cho chuyên gia góp ý mô hình từ ban đầu, các chi phí linh tinh khác…

Trong trường hợp BỎ NGANG thì người góp vốn sẽ MẤT CỌC, vì chi phí đó đã chi rồiCó thể linh hoạt bằng cách cho người muốn bỏ tìm cổ đông khác góp vốn theo đúng tiến độ để dự án chạy được bình thường.

2.2.ĐIỀU KHOẢN RÚT VỐN

Điều khoản rút vốn trong hợp đồng

Có điều khoản ĐƯỢC RÚT VỐN sau một khoảng thời gian: Ví dụ như được RÚT VỐN sau 2 năm – Đánh giá theo thực tế tài sản khi rút vốn, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo thực tế đánh giá tài sản lúc đó

2.3.ĐIỀU KHOẢN MUA LẠI

Có điều khoản MUA LẠI, người bán rút vốn có thể bán lại luôn ưu tiên cho CỔ ĐÔNG từ ban đầu. Trong trường hợp các cổ đông đó không ai mua mới được bán cho người ngoài

Kinh nghiệm nữa, đó là nên gọi vốn dư dư ra một chút, tránh trường hợp kinh doanh ngay lúc ban đầu chưa hiệu quả thì vẫn còn dòng tiền mặt để có thể duy trì doanh nghiệp

Chốt lại là liên quan đến TÀI CHÍNH thì rõ ràng rành mạch, dự phòng tất cả các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, giấy tờ ký tá đàng hoàng để sau này đỡ mệt mỏi

KẾT LUẬNQuay trở lại tình huống ban đầu: “Em cùng 2 người bạn nữa cùng đầu tư mở quán café, mỗi người góp 50 triệu. Em máu nhất nên làm mọi thứ. Công việc thuê nhà set up quán tiến hành. Tuy nhiên trong quá trình đó thì một bạn xuống vốn chậm, bảo không đủ tiền, sẽ đóng sau. SAI 1

Quán mở ra khai trương, chạy không được như kỳ vọng. Bạn đó báo là không xắp xếp được tài chính và sẽ không góp vốn. SAI 2

Người bạn còn lại thì không góp sức được gì, chỉ mỗi mình em làm và giờ bạn ý muốn rút vốn. SAI 3

Quán đã chạy được 6 tháng nhưng giờ chỉ lãi 2 triệu/tháng. Em tính mua lại cổ phần của bạn còn lại nhưng nếu thế thì sẽ phải vay lãi. Và 50 triệu tiền lãi vay thì tiền lãi 2 triệu/tháng của quán không đủ bù… SAI 4”

“Em cảm thấy bất lực và không biết làm thế nào?” => Quan điểm của mình là nếu làm chặt từ ban đầu thì bạn đã tránh được cả 4 lỗi sai rồi. Tuy nhiên sự việc đã xảy ra. Trong tình huống này, bạn có thể từ chối việc mua lại CP của người bạn kia với giá 50 triệu vì vay lãi để kinh doanh là điều cực rủi ro. Hoặc nếu quyết mua lại, hai bạn phải tự định giá lại phần cổ phần đó, xem giờ giá trị nó là bao nhiêu, có đúng là 50 triệu hay không? Nếu tự tin có thể làm được tốt, hãy mua lại và vực quán lên, không thì hãy sang nhượng cho người khác hoặc đóng cửa, coi như có một bài học thật nhớ đời… Thôi thì hãy tự động viên là cứ chill lên đi vì đời còn dài…

Nguồn: HOÀNG TÙNG Mr.PIZZA

About Author